"Truyền hình trả tiền" đua giảm giá cước

Sự xuất hiện của một số doanh nghiệp truyền hình giá rẻ khiến áp lực cạnh tranh trong ngành tăng cao. Ngoài việc giảm cước, các đơn vị còn kiến nghị đưa ra giá sàn, tránh hiện tượng phá giá.
Truyền hình giá rẻ tăng áp lực cạnh tranh cho các nhà đài. Ảnh: Anh Quân
Ngày 1/4, Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình cáp theo cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông. Chi tiết cước thuê bao vẫn chưa được tiết lộ nhưng các chuyên gia trong giới đều cho rằng giá sẽ rẻ, theo đúng chiến lược phổ cập hàng hóa, nhắm đến nhóm khách hàng bình dân mà tập đoàn vẫn theo đuổi.
Các chuyên gia dự đoán mức giá có thể nằm trong khoảng 30.000-40.000 đồng một tháng. Nếu điều này thành hiện thực, Viettel sẽ thuộc nhóm doanh nghiệp cung cấp truyền hình trả tiền rẻ nhất. Hiện tại, cước thuê bao tháng của AVG là 33.000 đồng một tháng, rẻ nhất thị trường. VTC cho biết có thể thiết kế gói khoảng 30.000 đồng. Điều này có khả năng tạo ra sức ép cạnh tranh từ truyền hình giá rẻ lên các nhà đài hiện tại.
Mới đây đài VSTV đã công bố chiến lược kinh doanh mới, hạ giá thuê bao cùng đầu thu, đồng thời tối giản các gói thuê bao về còn 2 gói cơ bản. Cụ thể, từ 9 mức cước áp dụng cho 3 gói kênh khác nhau (Access+, Premium+ và HD+), VSTV đã gộp lại còn Access+ và PremiumHD+ với 2 mức cước lần lượt 85.000 đồng và 220.000 đồng. Ngoài ra, đại diện nhà đài cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh các mùa sau (VSTV đang có bản quyền phát sóng mùa 2013-2016).
Ông Cao Văn Liết, Tổng giám đốc VSTV (đơn vị sở hữu thương hiệu truyền hình số vệ tinh K+) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nhà đài cần ưu tiên việc cải thiện, nâng cao chất lượng cũng như nội dung bên cạnh việc chạy đua giá mới có thể cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài việc tự làm mới mình, một số nhà đài đã cùng nhau kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông để đặt mức giá sàn đối với dịch vụ truyền hình trả tiền. Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) cho biết Hiệp hội đã có văn bản để làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này.
"Trong quý I chúng tôi sẽ tích cực làm việc với các đơn vị để đưa ra mức giá sàn, chống cạnh tranh không bình đẳng", ông Cường cho biết. Lãnh đạo VNPayTV cũng nhấn mạnh rằng giá sàn rất quan trọng và cần phải quản lý, không thể để phá giá.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng áp giá sàn sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng. "Giá trần thì sẽ tốt, còn giá sàn sẽ ngăn cơ hội để khách hàng tiếp cận với các dịch vụ giá rẻ, có chất lượng đảm bảo", lãnh đạo Vinastas chia sẻ.

Đọc thêm