[Truyện ngắn] Cao nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những nếp nhà cổ, pho cổng làng xui tôi lên đường. Công việc của một biên tập viên thời hiện đại không đến nỗi quá vất vả, nhưng vì đam mê nhiếp ảnh mà đi. Vì những chuyến lang thang chụp hình, thu lượm bao cảnh đẹp dân dã, quê mùa mà đôi lúc tự làm khó mình. Đổi lại có những cái rất sướng!

Vì ảnh nên tôi đã gặp ông. Đó là một buổi sáng cuối năm ập về bao cảm xúc. Tôi vừa tận mắt chứng kiến và chụp những đường nét tuyệt đẹp ở một ngôi nhà cổ làng Lạc Nhuế. Đi vòng vèo sang xã bên cạnh thì gặp một thôn có những con ngõ xanh rờn, với cách bài trí cây cối đều tăm tắp. Đẹp hơn nữa là những hàng rào cây được uốn, tỉa, cắt gọt cực đẹp. Tôi dừng lại trước một pho cổng nhà kỳ vĩ bằng cây ô-rô. Ông lão, chắc là chủ của ngôi nhà đang tưới cho cây hồng Pháp cách đó một chút. Tôi cất lời chào. Ông lão dừng tay, nhìn tôi, biết là khách ngoài làng nên đứng thẳng dậy.

- Anh tìm ai thế?

- Cháu ở xa đến. Cháu đi chụp lại những bức ảnh đẹp về các vùng quê để giữ lại, chỉ để lưu giữ làm kỷ niệm.

- À, nhiếp ảnh gia hả? Nếu anh không chê thì mời anh vào nhà tôi uống nước.

Tôi bước theo ông lão đi vào. Qua khoảng sân nhiều hoa là khoảng sân cũng được điểm trang bởi rất nhiều hoa lan, si thế, khế thế. Thậm chí có cả mấy cây táo thế trĩu quả. Phía mấy gốc cau, cây khế cao chừng bốn mét là khoảng chục chiếc lồng chim. Con nào con nấy mừng rỡ, choanh choách nhảy múa, lảng lót hót, gù…

- Nhà bác như thế giới cổ tích. Đẹp và bình yên.

- Tôi là cái anh giáo về hưu. Ở vùng quê, chẳng chơi những thứ này thì biết chơi gì. À mà chơi thì đầu óc thanh thản, vui và khỏe ra. Có những thứ con người cần phải học từ cây cối và chim chóc đấy.

Đột nhiên tôi thấy mến ông lão và nhủ lòng mình đã gặp đúng người. Chụp cảnh quê, ảnh quê, nếu không có sự giảng giải, nói cho về nết ăn, nếp ở thì khó mà có cảm xúc chụp cho nên hồn. Mà chụp nên hồn rồi thì phải chú thích ảnh làm sao cho chuẩn. Ông lão này có khả năng giúp tôi chú thích ảnh chuẩn xác, mà tôi có thể dùng ảnh của mình để tham dự các giải thưởng nhiếp ảnh, cả trong nước và quốc tế.

Pha trà xong, ông lão cẩn thận rót mời tôi. Tiếng vành khuyên lan ra không gian tuyệt yên bình.

Tôi nâng chén, mời ông. Ngụm trà ấm lan ra trong miệng, cổ họng. Hương thơm phảng phất. Tôi đưa mắt nhìn chung quanh khuôn viên. Đúng là một nơi đáng sống. Cây cối, hoa lá, chim chóc, ao cá. Đủ cả. Tôi tỏ ý muốn ông giới thiệu về pho cổng mô phỏng cổng chùa bằng cây ô-rô, có sự liên hoàn với bức tường cây nối vào nhau dài cả trăm mét. Đây hẳn là một tuyệt tác của ông lão. Ông giới thiệu mình tên là Kỳ. Từ năm 1992, ông nhìn thấy nhiều hộ dân trồng cây ô-rô để làm tường rào. Họ cũng cắt tỉa, uốn cây và đó cũng là một nét văn hóa đặc sắc. Song, ông thấy chưa đẹp lắm.

Ông bảo, cũng vì thấy “chưa đẹp lắm”, ông nghĩ mình có thời gian, điều kiện và nhất là gia đình có một không gian lý tưởng, nên đã tích cực đi xin cành ô-rô về trồng. Ô-rô là loài cây khó sống, nên cứ trồng đi trồng lại, rồi dặm những cây chết. Trải qua tám năm trời trồng tỉa, cuối cùng ông Kỳ cũng có một hệ thống hàng rào tạm ưng ý. Cách đây chục năm, ông giáo Kỳ về hưu, có nhiều thời gian dành cho không gian của mình.

Để thực hiện ý tưởng làm chiếc cổng mô phỏng cổng chùa, ông Kỳ tích cực nuôi, uốn cây và tác động bằng chất hữu cơ để chúng có thể mọc dài theo đúng ý ông. Khi mọi việc hoàn thành, người dân ngỡ ngàng trước việc làm của ông.

- Cháu thấy đây là một tác phẩm nghệ thuật cây đúng nghĩa của bác. Phải cầu kỳ và nhọc công lắm.

- Cảm ơn anh. Tôi cũng không ngờ là việc làm được. Sau này càng nghĩ càng thấy ở pho cổng này có một giá trị ngoài sức tưởng tượng. Rồi rất nhiều người về thăm, tôi cũng thấy vui vì mình làm được một cái gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời.

- Lại còn liên hoàn hàng rào nữa. Toàn cây ô-rô. Hẳn bác đã phải rất kỳ công?

- Không có cái gì đến dễ dàng cả. Tôi nhân giống ra cả. Khi thấy tôi làm thì một số người cũng làm. Ban đầu thì người ta cũng chê tôi lắm. Rằng thì là vẽ chuyện. Cuộc sống đã chẳng dư giả. Chức vụ không ngoi lên được, vậy mà cứ suốt ngày cây với chim. Hiểu tôi vẫn là vợ con và một số người thân thuộc. Uốn cây và để làm ra một tác phẩm cây kỳ vĩ thì phải hy sinh. Thời gian và tiền của. Không cái gì tự đến. Tôi thấy mọi sự đều có duyên và tôi rất được cây cối yêu quý. Qua bàn tay chai sần này, mọi thứ như anh thấy đấy, đều đã nở hoa. Tôi làm nhà giáo, dù chẳng nghèo nhưng giàu là cái tình nghĩa. Ở trường ngày đó cơ hội có, nhưng cũng chẳng đấu đá với ai để giành chức quyền. Tôi yên vị là anh giáo dạy văn. Khi về hưu không hổ thẹn với lòng và đồng nghiệp. Nhưng cái gia tài là tình nghĩa. Nhiều thế hệ học trò được tôi dạy, các em ấy thành đạt rồi năm nào cũng về thăm. Khu vườn nhà tôi là một điểm trở về đầy ắp kỷ niệm của học trò cũ đấy.

Nghe ông hồi tưởng, quả là người có sự uyên thâm, tự trọng trong công việc. Ở lứa tuổi ông, người như vậy không hiếm, nhưng khá xa lạ với ngày nay. Nhất là giờ tốc độ đô thị hóa khủng khiếp. Đường làng, ngõ xóm ở nhiều vùng bị bê tông hóa. Đành rằng đó là đổi mới, thay diện mạo thôn quê. Nhưng ngược lại làm nhiều pho cổng cũ, tường cây bị biến mất. Những hàng cây đẹp, thậm chí cổ thụ cũng bị đốn hạ dành cho việc mở đường.

- Thế còn hoa và những chậu cảnh khác, cũng là do bác tự làm?

Tôi hỏi, rồi theo ông Kỳ ngồi vào bàn trà. Mấy con vành khuyên đùa nhau, thi nhau hót. Hương địa lan phả ra. Ông Kỳ rót thêm trà cho cả hai. Sau khi ông chiêu một ngụm, đặt chén xuống, ông chỉ vào ngôi nhà.

- Ngôi nhà của tôi có tuổi cỡ một trăm năm. Nếu thứ gì độ tuổi một trăm được gọi là cổ thì nhà tôi cũng là nhà cổ. Anh thấy đấy, thế đất nhà tôi là do bố đẻ ra tôi quy hoạch. Tôi thấy bố và cả ông nội tôi đã quy hoạch mảnh đất rất chuẩn. Tôi không được gặp ông nội, nhưng bố tôi bảo, ông nội tôi là một nghệ nhân dựng nhà gỗ cổ nổi tiếng trong vùng. Bàn tay của ông khéo đến nỗi đụng vào khúc gỗ nào thì nơi đó cũng nở hoa. Nghe bố tôi nói về triết lý chơi cây, làm người tôi cũng ngấm được rất nhiều điều. Các cụ học được triết lý ở đất Thăng Long cổ, là “Chơi đồ cổ để giữ thần, chơi cây để giữ lễ, chơi chim để luyện trí”. Cả nghìn năm nay, câu nói của cổ nhân vẫn được truyền tụng. Lan ra các tỉnh khác. Bây giờ thì ở vùng chiêm trũng này có tôi. Tôi không nói khoe khoang nhưng tôi nghiên cứu kỹ về cây, chim và lễ nghĩa ở đời. Mấy ông ở vùng Nha Xá tìm lên đây tham quan tường cây và cổng cây của tôi. Mạn Thanh Liêm cũng khá nhiều bậc cao niên chơi cây, chim, cá. Tôi thân với một số và nhận ra thú chơi này vẫn thu hút rất nhiều người.

- Nhưng bác phải duy trì việc cắt tỉa ra sao để giữ được dáng của tác phẩm nghệ thuật?

- Nếu là dịp mưa nhiều thì năm ngày tôi cắt tỉa một lần. Những tháng nắng hạn thì khoảng tám ngày “đầu tư” một ngày đẫy chỉnh sửa, để cây khỏi bị rườm rà, lởm chởm.

Quả rất cầu kỳ, nếu là người nóng nảy làm sao có thể uốn được một tác phẩm cây đồ sộ đến thế ở vùng quê. Lại còn nhiều thứ cây gần gũi, thân thương đang hiện diện trong khuôn viên này. Mỗi thứ cây một vóc dáng, nhưng đều tỉ mỉ, hiện lên những nét tinh hoa, tinh tế, đầy chất sáng tạo. Tôi nghĩ đến những người như mình. Đôn đáo mưu sinh, chạy khắp nơi săn tìm cảnh để chụp, cũng cùng mục đích như ông lão. Có lẽ đó là điều khiến tôi có thể ngồi được với ông. Thưởng trà và nói về chuyện đời, chuyện nghề, cây cối và chim muông. Nghệ nhân là người chuyên làm nghề nghệ thuật biểu diễn hoặc một nghề thủ công mĩ nghệ, với trình độ cao. Thì ông Kỳ đây, ông là một nghệ nhân. Hơn thế ông còn là một nghệ sĩ cây.

Tôi tò mò với những lồng vành khuyên của ông Kỳ. Ở Hà Nội, tôi là người mê chim và tham gia hội thi cấp quận vào dịp xuân. Tất nhiên chỉ là nghiệp dư. Nhưng nhìn những con chim của ông, tôi đoán ông chơi chuyên nghiệp. Chơi chim vành khuyên khó, muốn có con hót hay phải tìm chọn. Con được chọn đầu phải tròn, gáy dài, rộng tảng. Rồi cổ to, vai to, nở hậu, bản đuôi to. Cuối cùng bàn chân phải khô, quắp và đủ móng... Để chọn được chim vành khuyên hót, dân chơi chim thường chọn theo bộ. Cách phân biệt chim già và chim bánh tẻ cũng rất cần thiết vì chim bánh tẻ thường dễ thuần dưỡng, trong khi chim già rất mất công và khó.

Nghe tôi nói đến chuyện chơi vành khuyên, mắt ông Kỳ sáng hơn. Ông bảo, thành phố cũng có hội chơi sinh vật cảnh, nhiều người công phu lắm. Ông chơi cho biết, chơi vài loài. Ngoài vành khuyên thì chơi cu gáy, chào mào, sáo sậu. Ông tiết lộ cùng tôi, để chơi được ngoài những kỹ năng tỉ mỉ, công phu, niềm đam mê còn phải có tình yêu thương không biên giới với loài chim. Và để đạt đến đỉnh cao phải có một tâm hồn nghệ sĩ. Chỉ có chất nghệ sĩ phiêu du đến quên mình mới đem đến những tuyệt tác từ chim cảnh.

Nghe ông nói, tôi biết mình đang gặp cao nhân. Vốn hiểu biết về chim chóc của tôi chẳng là gì so với ông. Tôi đã hai chục năm lang thang tìm kiếm, chắt lọc trong vỉa quặng làng quê những cái đẹp để lưu giữ. Hôm nay được gặp ông Kỳ, quả là một lần mở mang tầm mắt. Ông cho tôi được chạm tay vào những vỉa quặng đẹp đẽ của tinh thần mà trong cuộc sống đôi khi ta bỏ quên. Vẻ đẹp và giá trị của làng quê đâu có mất hẳn.

- Đúng là gặp được bác cháu đã được mở rộng tầm mắt. Cuộc sống quả là muôn hình, muôn vẻ bác nhỉ. Nhưng có một điều khi chúng ta gần cây cối, chim chóc, chúng ta cũng được hưởng vẻ hồn nhiên, đằm thắm và nghĩa tình, bác nhỉ?

- Vâng. Trong dân gian rất nhiều điều cần khám phá. Hôm nào rảnh, anh lại đến đây, tôi dẫn đến gặp bác sưu tầm và chơi được rất nhiều nhạc cụ. Ngôn ngữ của âm nhạc qua bàn tay một ông nông dân cũng có “vị” rất khác.

Tôi cáo từ, ra về, hẹn ngày gần đây nhất được gặp ông và người bạn của ông. Ở đâu đó vẫn còn những người như ông Kỳ, những nghệ nhân làng. Cần mẫn. Tỉ mỉ. Lặng lẽ.

Truyện ngắn của Ngô Thục Miên

Đọc thêm