Đại tá Lê Văn Vũ, Phó giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi xung quanh vấn đề
- Thừa Thiên Huế là địa bàn trọng điểm, nhiều sự kiện lớn diễn ra trong năm vì vậy, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, để đảm bảo tốt TTATGT, Công an tỉnh sẽ triển khai các phương án như thế nào, thưa ông?
- Mục tiêu cao nhất của Công an tỉnh là phải làm giảm đến mức thấp nhất TNGT, đem lại hạnh phúc cho người dân. Do đó, Công an tỉnh đồng loạt triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo trật tự, ATGT, trật tự công cộng (TTCC), phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, vận tải hành khách, hàng hóa của Nhân dân khi diễn ra các sự kiện lớn như Festival; phòng ngừa, hạn chế, không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, đấu tranh có hiệu quả các lại tội phạm, buôn bán, vận chuyển pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hàng lậu, hàng cấm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông.
- Ông có thể cho biết những hành vi vi phạm nào cần tập trung kiểm soát?
- Lực lượng CSGT toàn tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, ATGT, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, phối hợp với thanh tra giao thông và các lực lượng cảnh sát khác tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, ATGT. Hành vi vi phạm được chúng tôi tập trung kiểm soát như: chạy xe sai luồng, tuyến; đón, trả khách không đúng nơi quy định; chở quá số khách quy định; chở quá trọng tải cho phép; thu quá giá vé niêm yết; sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; vận chuyển hàng cấm, chất dễ cháy, nổ; xe chở các loại thực phẩm bẩn, các loại hàng cấm, trốn thuế, gian lận thương mại… Tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: vượt đèn đỏ; đi sai làn đường phần đường; vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn; không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không đúng quy định; chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; phương tiện hết niên hạn sử dụng; lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép…
- Công tác tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông được Công an tỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Xác định tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nên ngay từ đầu năm Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT, nhất là các đợt cao điểm đảm bảo trật tự, ATGT. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho hơn 50.000 lượt người; tổ chức cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ cho gần 5.000 người và một số cuộc thi khác nhằm nâng cao văn hóa giao thông đến mọi tầng lớp Nhân dân.
Lực lượng công an ở các địa phương đã duy trì công tác phổ biến pháp luật về ATGT, khơi dậy ý thức tự giác tham gia chấp hành và nhắc nhở người trong gia đình, cộng đồng thực hiện. Có thể kể đến một số mô hình đảm bảo ATGT giao thông ở TP. Huế, như: tổ tự quản ga Huế, tổ bảo vệ dân phố thực hiện đề án văn minh đô thị, tổ tự quản nghiệp đoàn xích lô, xe thồ chợ Đông Ba, phụ huynh tự quản về trật tự ATGT trước cổng trường…
Giảm tai nạn vì có Tổ công tác đặc biệt
- Từ đầu năm đến nay TNGT tăng cả 3 tiêu chí, Công an tỉnh đã có những biện pháp gì để ngăn chặn?
- Trước tình hình TNGT tăng cao, Ban Giám đốc đã thành lập 12 Tổ công tác đặc biệt (CTĐB), trong đó công an tỉnh 2 Tổ, thành phố Huế 2 Tổ và 8 huyện, thị xã mỗi địa bàn 1 Tổ. Hàng ngày, Tổ CTĐB bắt đầu ra quân từ 17 giờ đến 24 giờ đêm trên các tuyến đường QL1, các tuyến tỉnh lộ, các đường làng ngõ xóm ở các huyện, thị xã….Tổ CTĐB gồm: Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động và nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm Luật giao thông. Ngoài ra, Công an tỉnh cũng đã thành lập 1 Tổ CTĐB gồm lực lượng của nhiều phòng ban, nghiệp vụ thuộc CA tỉnh để kiểm tra hoạt động của các Tổ CTĐB ở các huyện, thị xã, thành phố.
- Ông có thể cho biết vài con số cụ thể mà lực lượng CTĐB đã triển khai?
- Đến ngày 31/5, qua 1 tháng thực hiện, các Tổ CTĐB đã tổ chức 340 ca, huy động gần 4.000 lượt CSCS tham gia TTKS xử lý vi phạm. Qua đó, phát hiện 2.560 trường hợp vi phạm (hơn 1/3 lỗi vi phạm nồng độ cồn), phạt tiền hơn 2,4 tỷ đồng, tạm giữ hàng trăm phương tiện. Sự phối hợp thường xuyên giữa các lực lượng đã kéo giảm TNGT đường bộ trên cả 3 tiêu chí so với tháng trước, đây là tín hiệu đáng mừng và chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị xử lý quyết liệt hơn nữa để không có trường hợp tai nạn nghiêm trọng xảy ra.
- Gần đây có dư luận cho rằng Tổ CTĐB tại huyện Phong Điền trong khi làm nhiệm vụ đã rượt đuổi, đạp người vi phạm dẫn đến TNGT, sự thực như thế nào, thưa ông?
- Lúc đầu, có thông tin như vậy nên người dân bức xúc vì tưởng anh em cảnh sát đuổi dẫn đến ngã xe. Nhưng thực sự không phải như vậy. Sau khi vụ việc xảy ra, tôi đã lập đoàn kiểm tra, xác minh thì khoảng cách từ chỗ cảnh sát đến chỗ cháu bị ngã xe còn khá xa; nhiều nhân chứng khẳng định nhìn thấy cháu trai tự ngã chứ không liên quan đến lực lượng cảnh sát.
- Xin cảm ơn ông!