TTCK kiểm chứng phản ứng với CPI

Xin giới thiệu nhận định của các CTCK về khả năng diễn biến thị trường ngày 24/2.

Xin giới thiệu nhận định của các CTCK về khả năng diễn biến thị trường ngày 24/2.

Tồn tại đồng thời hai xu hướng

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM - HSC)

“Ngày 23/2, các thị trường biến động trái chiều với VN-Index gần như đi ngang trong khi HNX-Index tăng nhẹ. Giá trị giao dịch đạt thấp và các thị trường thiếu trụ cột dẫn dắt nhưng đà giảm điểm mạnh đã ngừng lại là một việc đáng mừng. Độ rộng thị trường thu hẹp và một số mã bluechip tăng điểm khá; nhưng nói chung các mã trên thị trường chỉ tăng nhẹ.

Thị trường chứng khoán trước mắt có vẻ đã ổn định những khối lượng giao dịch đạt thấp thì thị trường có thể đi theo cả hai xu hướng (tăng hoặc giảm). Các nhà đầu tư nên chờ thêm những diễn biến mới của thị trường”.

Bên bán có thể gia tăng ở giá cao

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - SSI)

“Cung đã giảm bớt phần nào trong phiên giao dịch 23/2 sau liên tiếp các phiên giảm điểm mạnh khiến lực cầu gia tăng trở lại giúp chỉ số hồi phục vào cuối phiên.

Như vậy, phiên đảo chiều được kỳ vọng đã diễn ra. Xét về kỹ thuật, khối lượng giao dịch cần có sự cải thiện hơn nữa trong phiên tăng điểm nếu không đà hồi phục hiện tại sẽ khó kéo dài. Chúng tôi cho rằng khả năng bên bán có thể sẽ gia tăng hơn ở các mức giá cao vào phiên ngày mai (24/2).

Các nhà đầu tư vẫn còn tỷ trọng cao cổ phiếu có thể tận dụng các phiên hồi phục để giảm tỷ trọng về mức an toàn”.

Sau 5 phiên giảm điểm liên tiếp VN-Index ngày 23/2 đã có sự phục hồi khi giữ được mức xanh điểm nhẹ vào cuối phiên - Nguồn ảnh: VNDirect.
Sau 5 phiên giảm điểm liên tiếp VN-Index ngày 23/2 đã có sự phục hồi khi giữ được mức xanh điểm nhẹ vào cuối phiên - Nguồn ảnh: VNDirect.

Hai yếu tố tác động mạnh

(Công ty Chứng khoán ACB - ACBS)

“Từ phiên 23/2 có thể thấy mặc dù nhiều ý kiến cho rằng các thông tin bất lợi đã được thể hiện vào giá cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn mang nhiều lo ngại về tác động của các thông tin vĩ mô lên giá cổ phiếu trong tương lai.

Trong tình hình đó, VN-Index khó có thể về ngưỡng 520 trong một vài phiên giao dịch. Hơn nữa, nhà đầu tư quyết định giải ngân vào thời điểm này cũng khó có thể đưa ra mức giá mua cao do lo ngại về biến động giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Do vậy, ACBS cho rằng các yếu tố có thể tác động mạnh lên diễn biến thị trường vào các phiên tới bao gồm: (1) Sự tin tưởng của nhà đầu tư vào các kết quả tích cực mang lại từ các chính sách thắt chặt tiền tệ đối với nền kinh tế và (2) Động thái giải ngân của nhà đầu tư vào các cổ phiếu có mã hóa lớn có thể nâng đỡ VN-Index tăng điểm”.

Nhiều dấu hiệu phục hồi

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt - AVSC)

“Trong bối cảnh các thông tin vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, động thái thắt chặt còn có thể tiếp tục được đưa ra (sắp tới có thể tăng lãi suất cơ bản, đưa ra các biện pháp khác) thì việc thị trường chứng khoán tiếp tục điều chỉnh giảm sẽ khó có thể tránh được.

Về phân tích kỹ thuật, các chỉ số Stochastic Oscillator, Bollinger Bands… đã đi vào vùng quá bán. Về phân tích cung cầu cũng cho đấu hiệu sẽ hồi phục trong một vài phiên tới. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng các phiên phục hồi sắp tới để tái cơ cấu lại danh mục theo hướng gia tăng tỷ trọng tiền mặt, không nên tranh mua với giá cao và sử dụng đòn bẩy”.

Xu hướng điều chỉnh mạnh

(Công ty Chứng khoán Sacombank - SBSC)

“Chỉ số CPI trong tháng 2 vừa được công bố tăng 2.09%. Như vậy, chỉ sau 2 tháng đầu năm, CPI cộng dồn đã đạt 3.87%, tăng nhẹ nếu so sánh với mức 3.35% trong năm 2010. Điều này khẳng định các nhà làm chính sách sẽ phải còn mạnh tay hơn trong việc kiềm chế lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2011.

Về mặt kỹ thuật, sóng hồi b của sóng điều chỉnh trung hạn Elliot thứ 2 đang được triển khai với mục tiêu quanh vùng kháng cự mạnh 485. Xu hướng giảm chỉ có thể khép lại khi sóng giảm c kết thúc với mục tiêu dự báo quanh vùng hỗ trợ mạnh 440. Chúng tôi cho rằng xu hướng tăng sáng 23/2 có thể sẽ diễn ra nhanh và kết thúc sớm khi các yếu tố vĩ mô vẫn chưa cho thấy yếu tố ủng hộ đà tăng của thị trường.

Về trung hạn, hiện tại xu hướng điều chỉnh mạnh đang được triển khai khi các yếu tố vĩ mô vẫn chưa định hình rõ ràng. Yếu tố lãi vay và lạm phát cao vẫn đang là đà cản của xu hướng tăng hiện tại. Tuy nhiên, các dòng vốn ngoại mới có thể sẽ được triển khai mạnh trên thị trường sắp tới sau những cố gắng bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Xu hướng tăng có thể bắt đầu sau quý 1 năm nay”.

Nhiều cơ hội đầu tư tốt

(Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV - BSC)

“Với điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại, chống lạm phát chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ trong năm nay. Biện pháp thắt chặt tiền tệ đã được Ngân hàng nhà nước tuyên bố và do đó, mặt bằng lãi suất chắc chắn sẽ còn duy trì ở mức cao trong một thời gian nữa. Chính vì vậy, chúng tôi không kỳ vọng vào những đợt tăng mạnh của thị trường trong ngắn hạn do khó có được những động lực mạnh với bối cảnh hiện tại.

Tuy vậy, môi trường khó khăn đôi khi sẽ tạo được cơ hội đầu tư tốt khi mà giá cổ phiếu bị đẩy xuống mức thấp hơn giá trị nội tại. Ở mặt bằng hiện tại, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều cơ hội đầu tư tốt với kỳ dài hạn và các nhà đầu tư nên cân nhắc để lựa chọn mua vào. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, tín hiệu mua vẫn chưa thực sự xuất hiện, vì vậy, chúng tôi cho rằng nên điều chỉnh để có một danh mục đầu tư cân bằng trước khi thị trường có những tín hiệu rõ hơn”.

Cơ hội giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu

(Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect)

“Sau 5 phiên giảm điểm liên tiếp VN-Index ngày 23/2 đã có sự phục hồi khi giữ được mức xanh điểm nhẹ vào cuối phiên. Số mã tăng điểm chiếm ưu thế hơn số giảm điểm nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp. Nhóm bluechip phân hóa thành hai nhóm, trong đó chiếm ưu thế về tỷ trọng là nhóm giảm điểm với các mã lớn BVH, MSN, PVF, khiến cho VN-Index có lúc rơi về 466 điểm.

Chúng tôi bảo lưu khuyến nghị nắm giữ tiền mặt nhiều hơn cổ phiếu. Phiên ngày 24/2 vẫn sẽ là cơ hội giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu cho danh mục. Việc bắt đáy trong giai đoạn này rất rủi ro, nếu nhà đầu tư có quyết định mua vào chỉ nên hướng đến nhóm cổ phiếu có thanh khoản tốt, đặt lợi nhuận kỳ vọng mỏng, tuyệt đối tuân thủ mức cắt lỗ”.

Kiểm chứng phản ứng với CPI

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Woori CBV)

“Một phiên thị trường điều chỉnh tăng nhẹ 23/2 đã phần nào ổn định tâm lý nhà đầu tư sau 2 phiên tháo chạy có dấu hiệu của sự hoảng loạn. Tuy nhiên, điểm trừ về thanh khoản giảm khiến cho sự tăng điểm thiếu tính thuyết phuc bên cạnh chuỗi bán ròng của khối ngoại. Ngoài ra, phiên ngày 24/2 sẽ kiểm chứng phản ứng của nhà đầu tư trước thông tin CPI tháng 2 cả nước ở mức 2,09%, cao hơn chỉ số này của 2 năm gần đây nhất.

Hiện nay, các chỉ báo vẫn duy trì xu hướng giảm và các thay đổi chỉ qua một phiên tăng điểm chưa mang lại những chuyển biến rõ rệt. Xác suất giảm vẫn đang chiếm ưu thể vào thời điểm này”.

Xem xét đứng ngoài thị trường

(Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT - FPTS)

“Theo thông báo mới nhất của Tổng cụ Thống kê, chỉ số CPI cả nước trong tháng 2 tăng tới 2,09%, khá sát với dự đoán của giới đầu tư. FPTS đánh giá thông tin này sẽ không có ảnh hưởng nhiều tới diễn biến thị trường chứng khoán trong những phiên tới do đà sụt giảm của thị trường đã phản ánh đầy đủ các thông tin tiêu cực được công bố.

Phiên phục hồi 23/2 sẽ khiến cho thị trường sẽ biến động trong khoảng hẹp hơn, tâm lý nhà đầu tư dần bình ổn sau cú sốc vừa qua. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có khuynh hướng an toàn vẫn nên đứng ngoài thị trường”.

* Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

24H.COM.VN (Theo VnEconomy)

Đọc thêm