|
"Quý I/2011 có lẽ là thời điểm tốt để tích lũy những tín hiệu vĩ mô tích cực mới", ông Tống Minh Tuấn, Phó trưởng bộ phận Phân tích, CTCK BSC chia sẻ.
Khó khăn của kinh tế vĩ mô đã chạm đáy và điều này phần nào phản ánh khá rõ nét vào diễn biến của TTCK hiện tại, với những phiên tăng giảm đan xen. Tuy nhiên, để thị trường định hình một xu hướng tăng dài hơi, TTCK đang chờ đợi những tín hiệu mạnh mẽ hơn từ bức tranh kinh tế vĩ mô.
"Quý I/2011 có lẽ là thời điểm tốt để tích lũy những tín hiệu vĩ mô tích cực mới", ông Tống Minh Tuấn, Phó trưởng bộ phận Phân tích, CTCK BSC chia sẻ khi trao đổi với ĐTCK và cho rằng, yếu tố tích cực này có được là nhờ chính sách tiền tệ sẽ được nới dần.
Những tín hiệu nào để ông tin rằng, thời điểm khó khăn nhất của kinh tế vĩ mô đã qua?
Không phải kinh tế vĩ mô đã hết khó khăn, nhưng diễn biến có vẻ đang tích cực hơn.
Về dài hạn, tỷ giá, lạm phát vẫn là những rủi ro lớn đối với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, trong trung hạn, nhất là trong quý I/2011, sự lo ngại về 2 yếu tố này có thể sẽ giảm bớt.
Về tỷ giá, quan trọng nhất là nhập siêu đã không quá đáng ngại, tăng trưởng xuất khẩu tốt, đồng thời trong thời điểm cuối năm này đã xuất hiện thêm những nguồn ngoại tệ bổ sung do các dự án ODA giải ngân. Bởi vậy, nhiều khả năng cuối năm nay, tỷ giá USD/VND đã tạm thời ổn định và có thể dao động quanh mốc 21.000.
Về lãi suất, có 2 nguyên nhân khiến cho mặt bằng lãi suất cao. Một là yếu tố lạm phát tăng trở lại dịp cuối năm. Hai là từ tác động từ việc thực thi các chính sách mới đối với ngành ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất cao hiện nay không phản ánh tình trạng thiếu thanh khoản của toàn bộ hệ thống ngân hàng hay ảnh hưởng của nợ xấu, mà nó chỉ là yếu tố thiếu thanh khoản cục bộ trong làn sóng đua huy động gây ra bởi một số ngân hàng nhỏ trong nỗ lực hoàn thành kế hoạch cuối năm. Bởi vậy, nó không đáng ngại như thời kỳ lãi suất cao năm 2008.
Trong quý I/2011, khi điều hành vĩ mô ổn định hơn, lãi suất sẽ hạ trở lại và diễn biến cùng nhịp điệu với kỳ vọng lạm phát (dự báo lạm phát năm 2010 ở mức 11,3%).
Nghĩa là TTCK đang có cơ hội đón nhận dòng tiền quay trở lại ngay trong đầu năm 2011?
Tôi nghĩ vậy. Thực tế, vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng lớn đang khá tốt, đặc biệt là sau khi áp lực phải tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay được giải toả. Hơn nữa, có nhiều tín hiệu tích cực để kỳ vọng vào sự cải thiện của vốn ngoại trong đầu năm 2011. Điều này đang giúp tâm lý NĐT tốt lên, nên có khả năng VN-Index giữ được sự ổn định tương đối trong khoảng dao động 450 - 500 điểm từ nay đến cuối năm.
Lúc này, có lẽ mục tiêu giữ cho các chỉ số trên TTCK không biến động quá nhiều đã là một thành công. Khi nền tảng này được củng cố và đặt nó vào bối cảnh năm 2011, thời điểm khởi đầu cho thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, thì các yếu tố hỗ trợ cho TTCK ngay trong quý I/2011 là khá tốt.
Ông có thể phân tích kỹ hơn triển vọng của các nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2011?
Dựa trên cơ sở tổng hợp thông tin vĩ mô, cũng như số liệu thống kê, nghiên cứu triển vọng ngành mới nhất của BSC chỉ ra 4 nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng khác nhau trong năm 2011.
Theo đó, triển vọng nhất là nhóm cổ phiếu của các DN chế biến thực phẩm, đồ uống, dịch vụ cảng biển, khai khoáng kim loại quý.
Nhóm cổ phiếu nhiều khả năng có mức tăng trưởng khá là: bất động sản; xây dựng và xây lắp, sắt thép, nhựa công nghiệp. Các DN ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm có khả năng chỉ duy trì được mức ổn định, chứ khó có tăng trưởng đột biến trong năm 2011.
Nhóm cổ phiếu kém triển vọng nhất năm tới có thể là xi măng và vận tải biển.
Theo ông, NĐT nên áp dụng chiến lược đầu tư ra sao để đón đầu cơ hội khả quan của thị trường thời gian tới?
Đôi khi cơ hội quá rõ ràng, thì với đặc thù của TTCK, cũng có nghĩa là cơ hội đã qua đi hoặc còn lại không nhiều. Trên cơ sở tham khảo kết quả nghiên cứu chia cổ phiếu thành các nhóm có triển vọng tăng trưởng khác nhau trên, NĐT nên dựa vào các tiêu chí: doanh nghiệp có kết quả kinh doanh năm 2010 tốt, cổ phiếu thanh khoản tốt với khối lượng giao dịch 50.000 - 100.000 cổ phiếu/phiên, có mức giá tăng chưa nhiều thời gian qua, để đưa ra quyết định giải ngân hợp lý.
Một thông tin đáng chú ý mà NĐT cần quan tâm là 11 tháng đầu năm 2010, NĐT nước ngoài mua ròng 13.000 tỷ đồng, trong đó họ chủ yếu giải ngân vào các cổ phiếu blue-chip như: HAG, BVS, PPC… NĐT có thể bổ sung vào danh mục một tỷ lệ hợp lý các cổ phiếu blue-chip để vừa giảm thiểu rủi ro, đồng thời tận dụng được lực đỡ khá vững của NĐT ngoại.
ĐTCK