Ẵm 5 giải thưởng quốc tế trong vòng 6 tháng, Bi đừng sợ là bộ phim nổi bật của điện ảnh Việt Nam trên “đấu trường điện ảnh quốc tế” 2010. Giải thưởng mới nhất mà bộ phim này đoạt được là Giải Phim đầu tay xuất sắc nhất và quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Thụy Điển. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn phim Bi, đừng sợ- Phan Đăng Di, khi anh tiết lộ đang có một dự án phim mới.
|
Cảnh phim Bi, đừng sợ! |
- Từng nói, mong các giải thưởng đều có tiền để làm phim vì đã có dự án mới. Vậy, anh có thể bật mí đôi điều về dự án ấy không?
- Các giải thưởng quả cũng có giá trị an ủi mình và đoàn phim sau bao nhiêu vất vả đã trải qua, nhưng an ủi đó sẽ ngọt ngào hơn nếu kèm tiền mặt. Những người làm phim độc lập như chúng tôi, để bắt đầu một dự án mới, lại phải bắt đầu lại từ đầu, với cùng một sự tốn kém cũ.. Cho đến khi tìm được vốn đầu tư mới, dự án mới sẽ giống như động cơ mới mà không có xăng, chúng tôi phải xắn tay đẩy, đây là giai đoạn ì ạch và mất nhiều thời gian nhất mà chúng tôi luôn cầu cho nó chóng qua. Dự án mới này dựa trên một câu chuyện có thật đăng trên tờ Thanh Niên cách nay đã lâu, về những gã trẻ tuổi sống xa gia đình một hôm rủ nhau đi đình sản, một câu chuyện vừa bi vừa hài, vừa giật gân vừa nghiêm túc, tôi sẽ kể kỹ hơn câu chuyện này nếu ai đó thực sự quan tâm và muốn đổ cho chúng tôi ít xăng…
- Ẵm 5 giải thưởng tại các LHP uy tín của thế giới, trong đó có giải kịch bản hay nhất tại LHP Cannes 2010. Theo chủ quan của anh, điều gì khiến Bi, đừng sợ chạm tới trái tim của BGK và khán giả quốc tế?
-Từ Cannes đến Vancouver, Luân Đôn đến Viên, Hồng Kông đến Thụy Điển, mỗi khi Bi, đừng sợ được tuyên dương, thì hai ưu điểm thường xuyên được nêu là tài năng của diễn viên và hình ảnh giàu chất thơ của phim. Tại LHP Stockholm vừa diễn ra , bà chủ tich BGK Holly Hunter (diễn viên chính trong The Piano – Giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất LHP Cannes 1993, Oscar cho diễn viên nữ chính xuất sắc nhất 1993) trong cuộc trò chuyện riêng với tôi sau lễ trao giải đã nhấn mạnh về khả năng diễn xuất của diễn viên trong phim mà theo bà là đạt đến một trình độ tuyệt vời, khiến bà bị cuốn hút từ đầu đến cuối. Ngoài ra, những cảnh quay được thu hình rất tình cảm trong phim cũng khiến bộ phim gây được ấn tượng mạnh về thị giác với người xem. Đây cũng là hai nguyên nhân quan trọng khiến Holly Hunter và ban giám khảo của bà quyết định trao cho Bi, đừng sợ 2 giải thưởng: Giải cho phim đầu tay xuất sắc nhất và Giải quay phim xuất sắc nhất cho nhà quay phim Phạm Quang Minh.
- Là một đạo diễn độc lập, những khó khăn nào anh đã và đang phải đối diện khi thực hiện một dự án phim?
- Cái khó của nghệ sĩ độc lập là phải tự mình tham gia vào tất cả công đoạn trong quá trình sản xuất phim, từ lên ý tưởng, làm hồ sơ dự án, vận động tài chính, tổ chức sản xuất, hậu kỳ rồi phát hành… Đó là một quy trình dài, tốn nhiều năng lượng, nếu mình không bền chí thì cũng dễ nản lòng , không mềm mỏng thì cũng dễ hỏng việc giữa chừng. Nhưng công bằng mà nói, sau những mệt mỏi đó, đạo diễn độc lập luôn có quyền đưa ra quyết định cuối cùng cho mọi vấn đề thuộc về sáng tạo của phim. Nếu mất quyền này, đơn giản anh và phim của anh lúc đó không còn là phim “độc lập” nữa. Cũng vì muốn theo đuổi vị thế “độc lập” mà tôi và một số người bạn đã lập ra một hãng phim có tên là VBlock Media. Nơi chúng tôi vừa là sáng lập viên vừa là nhân viên. Mục đích của chúng tôi là có thể tự sản xuất những dự án độc lập với chi phí hợp lý và một khả năng tự chủ cao.
- Điều kiện sản xuất phim hiện tại ở Việt Nam có khuyến khích các nhà làm phim độc lập phát triển nghề nghiệp và sáng tác những bộ phim nghệ thuật chất lượng cao?
-Tôi thấy chưa bao giờ cơ hội làm phim ở Việt Nam lại rộng mở như hiện tại, kể cả với giới làm phim dòng chính lẫn phim độc lập. Lý do một phần nằm ở sự “mở” của Luật Điện ảnh và Luật Doanh nghiệp, theo đó giới làm phim được trao rất nhiều quyền trước đây chưa từng có. Lý do vô cùng quan trọng là công nghệ số đã thực sự giải phóng người làm phim. Nếu trước đây việc làm phim chuyên nghiệp luôn gắn liền với quy trình phức tạp, cồng kềnh và đắt tiền của phim 35mm thì nay chỉ cần một máy quay số nhỏ gọn và một lượng đèn tối thiểu là đoàn làm phim có thể lên đường. Công nghệ số quả thực đã tạo ra một cuộc cách mạng trong giới làm phim những năm gần đây, đặc biệt là giới làm phim độc lập. Lượng phim độc lập tăng vọt, xuất hiện nhiều phim hay với chi phí “tối thiểu”. Như tại LHP Vancouver mà tôi có dịp tham dự vào đầu tháng 10 năm nay, bộ phim “Good morning to the world” đoạt giải Dragon and Tiger, được làm với kinh phí 8.000 USD của đạo diễn Nhật Bản Hirohara Saturo (21 tuổi). Bỏ qua những lỗi do điều kiện kỹ thuật kém phim được Ban Giám khảo, gồm Giả Chương Kha, Bong Joon-ho và Denis Cote trao giải chính vì cách kể chuyện mạnh mẽ, quyết liệt. Việc một phim kinh phí thấp vẫn có thể tiến rất xa từ lâu đã không còn là chuyện lạ. Chính Giả Chương Kha- thành viên BGK năm nay, hiện là đạo diễn nổi tiếng nhất thuộc thế hệ thứ 6 của Trung Quốc, vào năm 1998 cũng được trao giải Dragon and Tiger tại Vancouver với bộ phim Tiểu vũ, được làm với kinh phí khoảng 50.000 euro. Tôi tin việc kiếm được 10, 20 nghìn USD để làm phim đối với một nhà làm phim độc lập Việt Nam hiện tại không phải là chuyện khó, tôi cũng thấy là Luật đã mở con đường cho chúng ta rồi, vậy việc làm được những bộ phim nghệ thuật có chất lượng bây giờ chỉ trông chờ vào sức sáng tạo cá nhân của người làm phim thôi…
- Điện ảnh thực sự chỉ có đời sống nếu có người xem. Hiện tại, phim Việt Nam có người xem đều là những phim thương mại. Anh đã bao giờ nghĩ nên đưa niềm đam mê của mình đến gần hơn với thị trường chưa?
- Điều đó không hàm nghĩa rằng hiện tại ở Việt Nam chỉ có phim thương mại là có “đời sống” chỉ đơn giản vì nó có “người xem”. Tôi cũng thấy nhiều người xem đâu chỉ xem phim thương mại, họ cũng muốn xem phim nghệ thuật chứ. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có quá ít phim nghệ thuật để họ xem đấy thôi.
Thu Hằng (thực hiện)