Một chuyến xuyên Việt từ biển Bình Thuận, Ninh Thuận… lên rừng Tây Nguyên, rồi sang Lào và Thái Lan, và ngược lại, hẳn là mơ ước của nhiều du khách Việt Nam và quốc tế trong tương lai gần. Hiện tại, chương trình du lịch của Lâm Đồng với hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã được “kết nối”; đồng thời, của Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên cũng đã được hình thành. Và, theo dự kiến phát triển của ngành du lịch, trong tương lai không xa, tuyến du lịch đường bộ nối Tây Nguyên với hai quốc gia Lào và Thái Lan sẽ được mở ra.
|
Một ngôi chùa ở Phan Thiết - nơi tìm đến của nhiều du khách. |
Trong các năm từ 2007 đến nay, các tỉnh Lâm Đồng cùng với Bình Thuận, Ninh Thuận và một vài địa phương khác ở phía nam như TP HCM, Cần Thơ… đã ký kết một số chương trình hợp tác phát triển du lịch để hình thành các tam giác du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng) – Ninh Thuận – Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Lạt – Phan Thiết – TP HCM, Đà Lạt – TP HCM – Cần Thơ… Theo các nội dung ký kết này thì các địa phương sẽ cùng hợp tác để kêu gọi đầu tư vào du lịch, phát hành ấn phẩm chung về quảng bá du lịch các địa phương, cùng thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích cầu du lịch… Đồng thời, các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP HCM, Cần Thơ… còn hình thành các tour du lịch liên kết mang tính bền vững nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.
Như vậy, có thể hình dung, tuyến du lịch từ biển đến rừng Lâm Đồng có phố núi Đà Lạt đã cơ bản được hình thành. Trong khi đó, theo văn bản ghi nhớ của các tỉnh Tây Nguyên hồi cuối năm 2008 thì đến cuối năm 2010, tuyến du lịch xuyên Tây Nguyên cơ bản được hình thành để trong một vài năm tới, tuyến du lịch đường bộ đến Lào và đông bắc Thái Lan sẽ được mở ra. Theo chương trình phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên giai đoạn 1998 – 2010 thì tuyến du lịch hoàn toàn mới – tuyến du lịch xuyên quốc lộ 27, sẽ bắt đầu từ Đà Lạt (Lâm Đồng), đến Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), hoà vào quốc lộ 14 qua Pleiku (Gia Lai) và Kon Tum, rồi sau đó qua cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) sang các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Như trên đã nói, bắt đầu từ năm 2007, Lâm Đồng đã ký kết với một số địa phương lân cận để hình thành tuyến du lịch từ biển lên rừng và ngược lại. Riêng với tam giác du lịch Đà Lạt – Bình Thuận – TP HCM, các nhà hoạch định chiến lược gọi đây là tuyến du lịch sinh thái rừng – sinh thái biển – tham quan mua sắm. Tại một cuộc hội nghị hồi cuối tháng 11.2010 tại TP HCM, đại diện chính quyền và lãnh đạo ngành du lịch của ba địa phương Lâm Đồng, Bình Thuận và TP HCM đã đưa ra nhận định: Bước đầu, cả ba địa phương đã phát huy được thế mạnh du lịch của từng địa phương.
Với TP HCM, đó là thế mạnh về du lịch mua sắm, hội nghị - hội thảo, tham quan di tích, các sự kiện văn hoá và thể thao trong nước và quốc tế. Với Bình Thuận, đó là thế mạnh về du lịch và văn hoá miền biển. Còn với Lâm Đồng, đó là thế mạnh về danh lam thắng cảnh, sản phẩm văn hoá Tây Nguyên, festival hoa, lễ hội văn hoá trà… “Với thế mạnh về du lịch rừng – biển – mua sắm, số lượng du khách đến với tam giác du lịch “Lâm Đồng – Bình Thuận – TP HCM” sẽ ngày một tăng cao” là nhận định đưa ra tại hội nghị nói trên.
Trong khi đó, phóng tầm nhìn ra các quốc gia lân cận, từ Tây Nguyên, đặc biệt là Lâm Đồng – nơi có TP du lịch Đà Lạt rất nổi tiếng, các nhà hoạch định chiến lược du lịch cũng đã nêu lên những kỳ vọng: Tây Nguyên của Việt Nam là địa bàn tạo thành nhiều lợi thế về du lịch xanh cho ngành du lịch Việt Nam, và đó là một trong những cơ sở để các quốc gia lân cận lựa chọn trong việc xây dựng chương trình hợp tác phát triển du lịch với Việt Nam. Trên cơ sở này, trong thời gian gần đây, Tổng cục Du lịch cũng đã xác định Tây Nguyên là một địa bàn trọng điểm để phát triển du lịch; từ tiềm năng phong phú của du lịch Tây Nguyên, ngành du lịch Việt Nam có thể tổ chức nhiều tour du lịch khác nhau dành cho nhiều đối tượng du khách, trong đó đặc biệt là du khách quốc tế.
Vấn đề đáng nói nữa là, trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch, các tỉnh vùng biển là Binh Thuận, Ninh Thuận... cũng đã hướng đến một nguồn khách quốc tế ổn định cho địa phương mình bằng cách tạo môi trường du lịch thân thiện nhất, hấp dẫn nhất và an toàn nhất. Như vậy, không lý gì các địa phương này lại không nghĩ đến một nguồn du khách quốc tế ổn định đi từ đường “rừng” Tây Nguyên xuống “biển” trong tương lai gần. Có thể nói, cho đến lúc này, bằng các chương trình hợp tác phát triển du lịch của các địa phương nói trên và theo hoạch định chiến lược phát triển của ngành du lịch đối với vùng Tây Nguyên, việc “nối tour” từ rừng lên biển để sang một vài quốc gia lân cận, và ngược lại, đã được đặt ra.
Khắc Dũng