Theo Điều 9 Dự thảo Luật được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đối với cơ quan nhà nước ở Trung ương có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra; cơ quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được tổ chức theo ngành dọc và cơ quan nhà nước ở địa phương có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc nắm giữ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, nếu quy định các cơ quan thuộc các bộ và UBND cấp tỉnh, huyện, xã đều phải cung cấp thông tin do mình tạo ra và nắm giữ thì quá rộng, không khả thi, đặc biệt dễ bị lạm dụng.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ, khoản D, điểm 1 Điều 28 của Dự thảo có nội dung từ chối yêu cầu cung cấp thông tin, theo đó Chính phủ đề nghị đối với những thông tin mà được cung cấp 2 lần cho chính người yêu cầu thì lần thứ 3 trở đi không có lý do chính đáng thì không cung cấp nữa. Do vậy, nếu quy định từ các cơ quan thuộc bộ, UBND tỉnh, huyện đều phải cung cấp thông tin do mình nắm giữ thì sẽ vô hiệu hóa chính nội dung trên. “Người ta có thể yêu cầu Bộ Tư pháp cung cấp thông tin rồi lại sang Bộ Y tế yêu cầu cung cấp thông tin vì cơ quan này nắm giữ văn bản đó” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường lấy ví dụ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị quy định chỉ cấp xã phải cung cấp thông tin do mình tạo ra và nắm giữ và ở cấp này cũng chỉ thực hiện yêu cầu trên đối với các công dân ở xã. Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị quy định rõ người dân đến cấp xã, cấp phường đến lần thứ 3 thì cấp này có quyền từ chối cung cấp thông tin. Nếu quy định như vậy sẽ bảo đảm tính khả thi của Luật, đảm bảo các cơ quan nhà nước được hoạt động bình thường, tránh bị rối.
Về khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện, Điều 14 của Dự thảo Luật quy định người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, nếu quy định chung như vậy có thể phát sinh phức tạp. Do vậy, Chính phủ đề nghị nêu rõ những điều kiện để người dân được khiếu nại, khiếu kiện, ghi hẳn vào trong Luật để tránh lợi dụng, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước.
Do còn có ý kiến chưa thống nhất, UBTVQH đề nghị cơ quan thẩm tra Dự án Luật và cơ quan soạn thảo tiếp tục thảo luận để tìm được “tiếng nói chung” cho vấn đề này trước khi trình dự án ra trước Quốc hội.