Từ câu chuyện của Quảng Nam…

(PLVN) - Tỉnh Quảng Nam có các di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nghệ thuật Bài chòi và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Phố cổ Hội An.

Theo thông tin từ Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, năm 2019, Quảng Nam đón gần 7,8 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân trên 20% mỗi năm. Năm 2020, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch Quảng Nam vẫn đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 764.000 lượt khách quốc tế. Khách du lịch đến Quảng Nam đứng thứ 2/8 tỉnh, thành phố trong vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ. Trong đó, khách quốc tế đến Quảng Nam luôn dẫn đầu các tỉnh thuộc vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ.

Để có được thành công này, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp quy liên quan cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị các di sản văn hóa; các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của đô thị nói riêng, hệ thống di tích, di sản văn hóa ở thành phố Hội An nói chung được các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn địa phương và cộng đồng người dân chung tay thực hiện.

Đối với Khu đền tháp Mỹ Sơn, nhiều công trình nghiên cứu và dự án tu bổ, phục dựng được thực hiện với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Chính phủ Ấn Độ, Italia, hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa quốc tế New Delhi (Ấn Độ) dịch thuật hệ thống văn bia; phối hợp với các tổ chức MUTSUBISI, JICA sưu tầm tư liệu, xuất bản các ấn phẩm văn hóa nhằm quảng bá di sản...

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch độc đáo ở khu phố cổ Hội An cùng nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống, diễn xướng dân gian, lễ hội đèn lồng... được phục hồi, phát huy đúng hướng, vừa gắn với tín ngưỡng truyền thống, vừa phục vụ nghiên cứu, du lịch.

Mới đây, Chương trình Bảo tồn và Phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt. Chương trình đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, chủ yếu trong đó tập trung vào việc hoàn thành lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản đã được UNESCO ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng.

Theo đó, đầu tư tu bổ, tôn tạo tổng thể ít nhất 3 di sản đã được UNESCO ghi danh và 13 di tích quốc gia đặc biệt; đầu tư tu bổ ít nhất 11 di tích cách mạng - kháng chiến quan trọng, tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và 6 di tích khảo cổ tiêu biểu; đầu tư tu bổ, tôn tạo ít nhất 20 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ cấp quốc gia có giá trị đang bị xuống cấp...

Chương trình còn nhấn mạnh đến công tác tổ chức các lớp truyền dạy thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. Bảo tồn và phát huy giá trị các làng, bản, buôn truyền thống tiêu biểu để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch…

Soi chiếu từ Chương trình vừa được Phó Thủ tướng ký phê duyệt với những thành công tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, có thể thấy vai trò của các nhóm giải pháp có tính khả thi mang lại hiệu quả thiết thực được đưa ra từ chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng thực hiện của người dân là vô cùng quan trọng.