'Bác ơi, tim Bác mênh mông thế'…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/Ôm cả non sông, mọi kiếp người”… Nhà thơ Tố Hữu đã thốt lên trong những câu thơ chan chứa về lòng nhân ái bao la của Bác như thế… Năm 1990, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đã vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất. Trong rất nhiều điều vĩ đại làm nên nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, là tình yêu bao la của Bác dành cho nhân loại, cho mỗi kiếp người…
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2 năm 1951).
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2 năm 1951).

“Phải xuất phát từ lòng yêu thương Nhân dân tha thiết”

Là lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh của lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh là sự kết hợp các giá trị truyền thống Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại. Tư tưởng đó thể hiện trước hết ở tình yêu thương, hết lòng vì con người, cảm thông, khoan dung, rộng lượng với con người…

Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã sáng lập, đồng thời trở thành Chủ tịch danh dự của Hội Hồng thập tự - tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay). Ngày 23/11/1946, Hội Hồng thập tự Việt Nam (tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) chính thức được thành lập tại đình làng Thanh Ấm thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa của tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống Nhân dân; kịp thời phục vụ cho công cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.

Với tất cả tình yêu thương con người, mong muốn chăm lo cho cuộc sống Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao nhiệm vụ và căn dặn những người làm công tác nhân đạo: “Phải xuất phát từ lòng yêu thương Nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân và làm mọi việc có thể làm được giảm bớt đau thương cho họ”.

Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trước muôn vàn khó khăn, Bác đã nêu quan điểm: “Phải diệt giặc đói, giặc dốt cùng với giặc ngoại xâm”. Theo Người, phải giúp dân thoát nạn bần cùng, dân cần phải có công ăn việc làm, có đời sống ấm no, hạnh phúc. Người nói: “Chúng ta giành được tự do, độc lập mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không để làm gì”. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi dân được ăn no, mặc đủ. Người khẳng định trách nhiệm của Nhà nước đối với dân: “Nếu dân đói, Chính phủ có lỗi. Nếu dân rét, Chính phủ có lỗi. Nếu dân ốm, Chính phủ có lỗi… Việc của Chính phủ là phải làm cho dân no ấm, khỏe mạnh”. Để khắc phục nạn đói, nhiều chính sách đã được thực hiện: Phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, giúp đỡ người nghèo…

Trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, cảm thông với sự hy sinh to lớn của nhiều gia đình, Người luôn dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Ngày 27/7 hàng năm, Người viết thư động viên thương binh, gia đình liệt sỹ và đề nghị Chính phủ, Nhân dân có hành động thiết thực bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn của mình đối với thương binh và gia đình liệt sỹ. Bản thân Người cũng đã ủng hộ vật chất, động viên tinh thần và có mối quan tâm đặc biệt đối với họ. Hành động của Người làm dịu đi nỗi đau của nhiều gia đình, đồng thời khơi dậy phong trào nhân đạo, “Đền ơn đáp nghĩa” của đồng bào cả nước đối với những người có công lao với đất nước.

Đồng thời, chăm sóc sức khỏe cho người dân là một trong những hoạt động nhân đạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm. Người nêu quan điểm: “Mỗi người dân khỏe thì cả nước khỏe, mỗi người dân yếu ớt thì cả nước yếu ớt. Dân cường thì nước thịnh”. Người từng viết bài báo “Sức khỏe và thể dục” để tuyên truyền Nhân dân rèn luyện tăng cường thể lực. Bản thân Người là tấm gương mẫu mực về tự rèn luyện, chăm sóc sức khỏe. Theo Người, chăm sóc người bệnh không chỉ là chữa bệnh, quan tâm đến vật chất mà còn phải nâng đỡ tinh thần cho họ.

Thiên tai, thảm họa là một thứ giặc nguy hiểm gây ra nạn đói và cảnh khốn cùng cho người dân. Phòng, chống thiên tai là một trong những việc mà Người trăn trở nhất để tránh tổn thất cho Nhân dân. Giữa bộn bề công việc, ngày 10/1/1946, mười ngày sau khi Chính phủ lâm thời được thành lập, Người đã trực tiếp đi kiểm tra việc đắp đê chống lụt, hàn đê vỡ ở Hưng Nhân, Hưng Yên, Thái Bình… khen ngợi tinh thần làm việc hăng say của bà con dân công trong việc đắp đê phòng lũ. Ngày 22/5/1946, Người ký Sắc lệnh số 70-SL về việc thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê (tiền thân của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai). Kể từ đó, mỗi năm khi mùa lũ đến, Bác đều nhắc nhở phải cảnh giác, đề phòng lụt lội, trồng và bảo vệ rừng. Đồng thời Bác chỉ đạo làm hệ thống kênh mương thủy lợi phòng khi hạn hán.

Và những dòng chảy nhân ái được viết tiếp

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ năm 1962. (Ảnh trong bài: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ năm 1962. (Ảnh trong bài: TTXVN)

Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “… Bác sống như trời đất của ta/Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa/Tự do cho mỗi đời nô lệ/Sữa để em thơ, lụa tặng già…”. Vần thơ ấy đã khắc họa chất nhân văn, nhân đạo Hồ Chí Minh trong dòng chảy vô tận của tình yêu thương con người, yêu thiên nhiên sâu sắc. Nhân đạo Hồ Chí Minh là tổng hòa cách đối nhân xử thế với con người, thiên nhiên và với chính mình.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự được Bác khởi xướng và là Chủ tịch danh dự đầu tiên, tiếp nối mạch nguồn nhân đạo, nhân ái của Người. Sau 78 năm, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo nhằm thực thi Luật Nhân đạo quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; thực hiện chính sách an sinh xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử phát triển của Hội là biểu hiện sinh động của sự kết nối truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc với lịch sử phát triển của một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp; gắn bó với lợi ích dân tộc, hòa đồng với cuộc sống của Nhân dân và phong trào nhân đạo quốc tế.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, phát huy sức mạnh đoàn kết, với vai trò là tổ chức nòng cốt - cầu nối - điều phối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một trong những đơn vị thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, thực hiện chính sách an sinh xã hội, tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; giữ vững ổn định chính trị bằng nhiều hoạt động thiết thực. Hội là tổ chức đi đầu vận động, ủng hộ Nhân dân trong nước và các quốc gia bị thảm họa, thiên tai, góp phần quan trọng thực hiện đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng, Nhà nước.

Trong hệ thống tư tưởng vĩ đại mà Hồ Chí Minh để lại cho nhân loại, tư tưởng nhân đạo của Người cũng sẽ mãi trường tồn với thời gian. Học tập và làm theo tấm gương của Bác, phát huy truyền thống nhân đạo của dân tộc, rất nhiều phong trào của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được triển khai, lan tỏa, thể hiện bản chất nhân đạo của người Việt Nam: Phong trào “Lá lành đùm lá rách”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Ngày vì người nghèo”, “Nối vòng tay nhân ái”, “Chung tay vì cộng đồng”, “Đền ơn đáp nghĩa”… đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, thể hiện nét văn hóa cao đẹp của người Việt. Khi góp phần tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, mỗi người sẽ học cách hiểu và cảm thông với những người thiệt thòi, cảm thấy hạnh phúc khi được giúp đỡ họ, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Theo GS. Hoàng Chí Bảo, trên thế giới này, không có một lãnh tụ nào như Hồ Chí Minh, chỉ 24 năm đứng đầu Nhà nước đã có tới 700 lần đến với nông dân, với đồng bào, với cơ sở. Từ nông thôn đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa; từ đồng bào nghèo miền núi, rẻo cao đến đồng bào nghèo miền xuôi, đô thị để được gần dân, hiểu dân, lắng nghe Nhân dân, chỉ bảo, bàn bạc với Nhân dân về phát triển kinh tế, chăm lo mọi mặt đời sống cho Nhân dân bằng những hành động cụ thể. Mỗi lần đến với Nhân dân là mỗi lần Bác đã hóa thân với đồng bào mình. Về thăm lại Pác Pó năm 1961, thấy đồng bào tổ chức đón tiếp, Người nói: “Tôi về thăm nhà mà sao lại phải đón tôi”. Những ngày cuối đời, nước lũ sông Hồng dâng cao, Trung ương Đảng xin phép đưa Bác đi tránh lũ, Bác bảo: “Không thể bỏ dân mà đi được. Đưa Bác đi, các chú chỉ đưa được mình Bác, còn dân thì sao, trước hết hãy lo cho dân”.

Sự gắn bó của Chủ tịch Hồ Chí Minh với con người, tấm lòng nhân ái bao la của Bác với con người bắt nguồn từ một lòng tin mãnh liệt vào chính bản thân con người, vào cái thiện của con người, vào sức sống của dân tộc. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Bác đã căn dặn chúng ta phải sống có tình, có nghĩa “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Khi đi xa, Bác “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Cả cuộc đời Bác đã dành cho dân tộc Việt Nam. Mong muốn lớn nhất của Bác là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, đồng bào ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Bác Hồ là hình ảnh của người Cha, người Bác - là hình ảnh của dân tộc trong tim của mỗi người Việt Nam. Từ một thanh niên yêu nước, yêu những người cùng khổ, Bác đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Bác đã gặp chủ nghĩa Mác - Lênin và áp dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Ở Bác tình yêu Nhân dân là vĩnh cửu, mọi suy nghĩ, việc làm của Bác đều xuất phát từ lợi ích của Nhân dân. Bác nói: “Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân, yêu nhân loại bị đau khổ và áp bức”.

Dành trên 40 năm nghiên cứu cuộc đời, tư tưởng sự nghiệp của Bác, GS.TS Hoàng Chí Bảo đã kể hàng nghìn câu chuyện về Người. GS.TS Hoàng Chí Bảo một lần nữa khẳng định, cả cuộc đời của Bác sống vì dân, vì nước. Chỉ riêng cái tên của Bác là Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện lẽ sống, tấm lòng yêu nước, thương dân của Người…