Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh - Biểu tượng của lòng nhân ái Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tư tưởng nhân văn là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được thể hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, trước hết, thể hiện ở tư tưởng về con người, về con đường và mục tiêu giải phóng con người.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc năm 1960. (Ảnh Tư liệu: TTXVN)
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc năm 1960. (Ảnh Tư liệu: TTXVN)

“Bác không bỏ dân lúc này đâu”

Trong bài viết “Nhân dân trong lòng Bác” đăng trên website tulieuvankien.dangcongsan.vn đề cập tới câu chuyện bắt đầu từ bản Di chúc của Người. “Hãy đọc và suy ngẫm một câu trong Di chúc của Bác: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân...”. Tại sao đã cần rồi còn phải; không chỉ là tốt mà phải thật tốt? Hẳn đã rõ, Bác day dứt đến nhường nào về nhiệm vụ nặng nề của Đảng là không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân, Đảng ta không có mục đích nào khác ngoài mục đích ấy. Thời gian càng lùi xa, điều Bác dặn hôm nay còn nóng hổi tính thời sự”.

Cũng trong bài viết, những hồi tưởng của ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác về những ngày tháng tám năm 1945, Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập tại số nhà 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Bác từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Vừa buông bút sau khi bản Tuyên ngôn Độc lập hoàn thành là Bác nghĩ ngay đến dân, những người chứng kiến thời khắc lịch sử đó. Theo yêu cầu của Bác, ông Vũ Kỳ vẽ sơ đồ Quảng trường Ba Đình. Hỏi đồng bào đứng ở đâu và đứng được bao nhiêu người rồi thì mới hỏi Bác và Chính phủ đứng ở đâu? Thật bất ngờ, Bác hỏi: “Các chú bố trí nơi vệ sinh cho đồng bào ở chỗ nào?”. Bác bảo là nếu trời mưa thì cố gắng kết thúc buổi lễ sớm để đồng bào khỏi bị ướt, phát sinh bệnh tật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu điển hình tiêu biểu toàn quốc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023. (Nguồn: Bộ VHTTDL)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu điển hình tiêu biểu toàn quốc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023. (Nguồn: Bộ VHTTDL)

Những ngày cuối cùng trên giường bệnh Bác vẫn đau đáu nỗi lo cho dân. Ngày 27/8/1969, bệnh của Bác ngày càng trầm trọng, tim mạch diễn biến phức tạp, phải tăng cường thêm năm giáo sư, bác sĩ chuyên khoa tim mạch để theo dõi. Mắt Bác nhắm nghiền. Chợt tỉnh, chợt mê. Ai nấy càng lo. Lúc mở mắt, Bác hỏi ông Vũ Kỳ: “Trời mưa hở chú?”. Trời Hà Nội mưa như trút. Mực nước sông Hồng mấp mé báo động số ba. Trong Phủ Chủ tịch, Bộ Tư lệnh Công binh bố trí hai xe lội nước túc trực, sẵn sàng đón Bác sơ tán khi tình huống hiểm nghèo. Khu vực ga Hàng Cỏ và Phủ Chủ tịch là trũng nhất so với mặt bằng Hà Nội.

Đồng chí Vũ Kỳ mạo muội: “Thưa Bác, mưa to ạ. Nước sông Hồng đã gần báo động số ba. Các bác sĩ muốn xin được đón Bác lên hang núi cao ở Hòa Bình, bảo đảm an toàn cho Bác khi điều trị”. Bác nhắm mắt không trả lời, Bác mệt quá rồi, không nói để dành sức. Một lát sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm, Bác mới nói trong hơi thở: “Chú Kỳ vừa báo cáo việc di chuyển Bác đi chỗ khác. Các chú phải bảo vệ cho kỳ được đê điều, bảo vệ kỳ được tính mạng của Nhân dân. Bác ở đây điều trị, không đi đâu cả. Bác không bỏ dân lúc này đâu”. Nghe Bác nói thế, ai cũng nước mắt lã chã mà không dám khóc...”.

Lòng yêu thương con người trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh

Mỗi khi đặt bút viết về một vấn đề gì đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường quan tâm đến việc làm người và ở đời. Minh chứng cho sự quan tâm chính yếu trong nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề con người, có thể tìm thấy ở 12 tập sách trong Hồ Chí Minh toàn tập có tới hơn 1.600 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến từ người, trên 170 lần nhắc đến từ con người. Đối với từ dân và từ Nhân dân, cũng có hơn 1.600 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới và gần 200 lần bác nhắc tới từ người dân.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là chuẩn mực để xây dựng, chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là chuẩn mực để xây dựng, chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Trong các bài giảng của mình về tư tưởng Hồ Chí Minh, PGS. TS Nguyễn Mạnh Tường - Đại học Luật Hà Nội luôn nhấn mạnh, con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh không tồn tại như một phạm trù bản thể luận có tính trừu tượng hóa và khái quát hóa, mà được đề cập đến một cách cụ thể, đó là Nhân dân Việt Nam, những con người lao động nghèo khổ bị áp bức cùng cực dưới ách thống trị của phong kiến, đế quốc; là dân tộc Việt Nam đang bị đô hộ bởi chủ nghĩa thực dân; và mở rộng hơn nữa là những “người nô lệ mất nước” và “người cùng khổ”.

Hồ Chí Minh coi sinh mạng con người là quý giá nhất. Người quý trọng sức dân, của dân; trọng người tài, đức, trân trọng “người tốt, việc tốt” dù rất nhỏ. Người trân trọng từng ý kiến của dân, lắng nghe dân, học hỏi dân, bàn bạc với dân, tự phê bình trước dân, trả lời ý kiến của dân, tôn trọng và chấp hành nghiêm minh pháp luật.

Trước cách mạng, trong kháng chiến, Hồ Chí Minh luôn có thái độ nghiêm túc, thận trọng đối với vấn đề khởi nghĩa, tranh thủ khả năng phát triển hòa bình để hạn chế sự đổ máu cho Nhân dân ta và nhân dân các nước. Lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người chủ trương chủ yếu sử dụng hình thức đấu tranh chính trị. Đó là cuộc cách mạng ít đổ máu nhất. Sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để tránh cuộc chiến tranh Việt - Pháp. Nhưng khi bọn thực dân hiếu chiến quyết gây ra chiến tranh để buộc dân ta sống kiếp đời nô lệ, mất nước thì Hồ Chí Minh kêu gọi cả dân tộc đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nền hòa bình và phẩm giá của nhân loại tiến bộ.

Theo Hồ Chí Minh, “trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Vì vậy, "vô luận việc gì, đều do người làm ra và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả". Người cho rằng: “Việc dễ mấy không có Nhân dân cũng chịu, việc khó mấy có dân liệu cũng xong”. Nhân dân là người sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần…

Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Tường, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người được khái niệm vừa là mục tiêu của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, vừa là động lực của chính sự nghiệp đó. Do đó, Hồ Chí Minh nêu bật ý nghĩa của chiến lược xây dựng con người mới. Theo Người, nếu không có những con người mới xã hội chủ nghĩa thì không có chủ nghĩa xã hội. Con người mới xã hội chủ nghĩa là con người thiết tha, say sưa với lý tưởng xã hội; có tri thức với tinh thần và năng lực làm chủ; có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có kiến thức khoa học, công nghệ và nhạy bén với cái mới; có tinh thần dám nghĩ, dám làm... Chính những con người với những phẩm chất đó thành nguồn lực để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Yêu thương con người, khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới sự nghiệp giáo dục, đào tạo, rèn luyện con người. Người nói tới “lợi ích trăm năm” và mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là những quan điểm mang tầm vóc chiến lược, cơ bản lâu dài, nhưng cũng rất cấp bách. Người chỉ rõ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Để “trồng người”, có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục - đào tạo là biện pháp quan trọng bậc nhất. Bởi vì giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ. Ngược lại, giáo dục tồi sẽ ảnh hưởng xấu tới thế hệ trẻ. Nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện, cả đức, trí, thể, mỹ, phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. Hai mặt đức, tài thống nhất với nhau, không tách rời nhau, trong đó “đức” là gốc, là nền tảng cho tài năng phát triển. Phải kết hợp giữa nhận thức và hành động, lời nói với việc làm... Có như vậy mới có thể “học để làm người”.

Học tập và làm theo Bác là một nhu cầu văn hóa

Ngày 2/11/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu điển hình tiêu biểu toàn quốc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023. Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là kết tinh giá trị tinh thần cao đẹp, trở thành chuẩn mực để xây dựng, chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ trở nên đúng đắn, lành mạnh hơn trong nhận thức và hành động; ra sức nâng cao đạo đức cách mạng, có dũng khí đấu tranh, tự phê bình, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; góp phần trực tiếp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nâng cao trách nhiệm vì dân, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, để Đảng ta thật sự "là đạo đức, là văn minh"; Nhà nước ta thật sự là "Nhà nước của dân, do dân, vì dân".

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều năm nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhu cầu văn hóa tinh thần bền bỉ, là nét đẹp của giá trị và lối sống văn hóa của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. “Vượt lên quy mô một cuộc vận động những năm 2006, đến nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhu cầu văn hóa, thành giá trị trong đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi tổ chức, trước hết là trong đời sống chính trị của Đảng” - Tổng Bí thư cho biết.