Thế giới ngợi ca Người - Danh nhân Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại không chỉ đối với Nhân dân Việt Nam mà còn đối với bạn bè yêu chuộng tự do và hòa bình trên thế giới. Người là một nhân vật lịch sử được yêu thích khắp năm châu không chỉ bởi tài năng lỗi lạc mà còn bởi phẩm chất đạo đức trong sáng, đẹp đẽ, kết tinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt trải qua hàng ngàn năm lịch sử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được đón chào khi đến thăm thành phố Novosibirsk, mở đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên Xô (nay là Liên bang Nga), ngày 10 tháng 7 năm 1955. (Ảnh: tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh được đón chào khi đến thăm thành phố Novosibirsk, mở đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên Xô (nay là Liên bang Nga), ngày 10 tháng 7 năm 1955. (Ảnh: tư liệu)

Tình cảm nồng ấm của nhân dân thế giới

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người luôn sống trong muôn triệu trái tim của các thế hệ Nhân dân Việt Nam đã sống một cuộc đời giản dị. Lúc sinh thời, trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đã bôn ba qua rất nhiều nước trên thế giới. Bác để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới, đồng thời nhận được sự ủng hộ lớn lao, cũng như tình cảm nồng ấm của nhân dân thế giới.

Tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ, đón Bác, Thủ tướng Ấn Độ P.J Nehru đã chào mừng: “Thật là một điều hân hạnh được gặp Hồ Chí Minh, con người vĩ đại và có sức hút mãnh liệt. Thế giới ngày nay còn có khác biệt và xung đột, nhưng được gặp Hồ Chí Minh, chúng ta thật sung sướng được thấy lòng tốt của con người, tình bạn, lòng nhân ái”.

Thủ tướng Ấn Độ đã dành những lời lẽ đẹp đẽ, trân trọng nhất để ca ngợi Hồ Chí Minh. Ông gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Một vị lãnh tụ xuất sắc, đồng thời là một chiến sĩ vĩ đại cho tự do”. Trong bữa tiệc do Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức để chiêu đãi các vị lãnh đạo, chính khách và bạn bè Ấn Độ trước khi rời Delhi đi thăm Mumbai và Konkata, Thủ tướng Nehru phát biểu: “Chúng ta được tiếp đón một con người, mà người đó là phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử. Do đó, chúng ta không chỉ được nâng tầm tư tưởng, suy nghĩ mà còn được lớn lên ở bên Người. Được gặp Người chúng ta trở nên tốt đẹp hơn... Trong thế giới đầy biến động, xung đột và phân ly, thật sung sướng khi Người đến mang lòng tốt của con người và tình bạn, tình thân ái đã vượt lên tất cả”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại nhiều ấn tượng cho những người từng tiếp xúc. Lãnh tụ Ấn Độ Jawaharlal Nehru mô tả Bác bằng cụm từ “đặc biệt dễ mến và thân thiện”. Trong khi đó, Paul Mus, nhà Đông phương học người Pháp được tiếp chuyện với Hồ Chủ tịch trong các năm 1946 và 1947 thì thấy ở Bác hình ảnh “một nhà cách mạng kiên định, liêm khiết”.

Hiện nay ở Pháp có khoảng 45 điểm di tích lưu giữ nhiều tài liệu và hiện vật quý liên quan đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh từ năm 1911 đến 1927. Trong đó, nổi bật là ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris. Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp có thể kể đến bản yêu sách của Nhân dân An Nam do Nguyễn Ái Quốc ký tên gửi tới Hội nghị Véc-xây; hay tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Và với việc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa và tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria), Nguyễn Ái Quốc đã góp phần “thổi” một luồng gió mới đến nhân dân các nước bị áp bức, đoàn kết họ trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc.

Cũng có những quốc gia Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa kịp đến nhưng tình cảm của người dân dành cho Bác rất đặc biệt. Lúc sinh thời, tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có dịp đến thăm Cuba, nhưng nhân dân Cuba đã dành rất nhiều tình cảm trân quý cho Người. Đặc biệt, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt tại trung tâm Công viên Hòa bình trên Đại lộ 26, một trong những con đường lớn nhất tại Thủ đô La Habana. Công viên này được người dân La Habana trìu mến gọi là công viên Hồ Chí Minh.

Nói về sự khiêm tốn, giản dị chân thành của Người, cố Tổng thống Chile Xanvado Agiende đã phát biểu: “Đằng sau vẻ bề ngoài mềm mỏng của Ông là một tinh thần quật cường, dũng cảm, bất khuất… Lúc đầu người phương Tây chỉ cười bộ quần áo của Ông, xong rồi nhiều người nhận rõ rằng bộ quần áo đặc biệt của Ông chứng tỏ cho dù bất cứ ở đâu, giữa những người thượng lưu hay giữa đám đông quần chúng, không bao giờ Ông quên mình là người trong quần chúng của đất nước Việt Nam yêu quý của mình… Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn của Ông”.

Tờ New York Times nhận định về Bác Hồ: “Trong số các chính khách của thế kỉ XX, Hồ Chí Minh là nhân vật nổi bật về tính bền bỉ, dẻo dai và lòng kiên nhẫn trong việc tìm kiếm mục tiêu độc lập cho Việt Nam và thành công trong việc dung hòa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc”.

Hồ Chí Minh được coi như “một lãnh tụ thần thoại”

Chủ tịch Hồ Chí Minh hòa nhịp cùng các thanh niên Kazakhstan trong vũ điệu dân tộc, tháng 7 năm 1959. (ảnh: tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh hòa nhịp cùng các thanh niên Kazakhstan trong vũ điệu dân tộc, tháng 7 năm 1959. (ảnh: tư liệu)

Đối với nhân dân châu Phi, Hồ Chí Minh được coi như “một lãnh tụ thần thoại”, tượng trưng cho cuộc đấu tranh anh hùng và thắng lợi của dân tộc Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Ở đất nước Chile - nơi cách xa Việt Nam hàng vạn dặm, một người thanh niên tên Victore Hara đã đặt hình ảnh Hồ Chí Minh lên ngực mình và hát một bài hát về Bác tại quảng trường ở Helsinki trước hơn 5.000 đại biểu thanh niên, sinh viên thế giới vào lúc 9h sáng ngày 23/08/1969. Victore Hara đã trút hơi thở cuối cùng dưới bàn tay tàn sát đẫm máu của chế độ độc tài Pinochet. Ông Houari Boumediene, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa nhân dân Algeria đã viết: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mở đầu cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trong thế giới thứ ba để tự giải phóng mình khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc". Tổng thống Sekou Toure của Guinea cũng viết: “Xuất sắc và dũng cảm người anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á - Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới”…

Tại Ai Cập, hầu hết người dân Ai Cập đều biết tới Việt Nam và Chủ tịch “Hồ Chí Minh”. Câu nói quen thuộc của người dân ở đây là “Việt Nam - Hồ Chí Minh” với sự ngưỡng mộ và đầy kính phục. Chia sẻ những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ Ai Cập Moheb El Samra khẳng định dưới sự lãnh đạo của Người, dân tộc Việt Nam đã làm nên những điều kỳ diệu:

“Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cổ vũ và ảnh hưởng to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc các nước châu Phi, Ai Cập cùng nhiều dân tộc trên thế giới. Bất cứ cuộc đấu tranh giải phóng nào của các dân tộc ở châu Á, cũng như trên toàn thế giới lúc đó đều lấy Việt Nam - Hồ Chí Minh làm ngọn cờ để đấu tranh giành độc lập”.

Đặc biệt, thế giới cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tư tưởng giải phóng. Ở đâu có áp bức, ở đó có tư tưởng giải phóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các dân tộc trên thế giới đều thấy ở Người tấm lòng thành thật, hợp tác, hữu nghị và phát triển. Thông điệp toát ra từ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến mọi người trên trái đất là thông điệp của hòa bình, là sự bao dung, độ lượng, là phấn đấu vì sự tiến bộ xã hội, hướng tới một thế giới im tiếng súng, đầy ắp tiếng cười, thế giới của sự trải lòng hướng thiện.

Suốt đời chiến đấu không ngừng nghỉ không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả nhân loại cần lao, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu được bầu bạn khắp năm châu ngưỡng mộ và khâm phục. Trong Từ điển Danh nhân văn hóa thế giới, trong lĩnh vực chính trị - xã hội, từ điển đã dành hai trang 332 - 333 ghi rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của giải phóng dân tộc. Người đã dẫn dắt triệu triệu người Việt Nam cùng hàng ngàn triệu người nô lệ hơn 100 nước trên thế giới vùng lên giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã làm nên cuộc đảo lộn thế giới chưa từng có từ sau khi chủ nghĩa tư bản lật đổ đế chế La Mã cổ xưa. Người đã vẽ lại bản đồ thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế kỷ XX”.

Đọc thêm