Tự chủ đại học - vẫn “liệu cơm gắp mắm”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, giáo dục đại học hiện đang đối diện với nhiều thách thức khi nhu cầu của người học ngày càng gia tăng; thách thức giữa kỳ vọng và yêu cầu cao, nhưng đầu tư còn khiêm tốn. Và thách thức trực diện trong đẩy mạnh tự chủ thời gian tới về chiều sâu…
Sinh viên Việt Nam trước nhiều thách thức của nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh: ĐH)
Sinh viên Việt Nam trước nhiều thách thức của nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh: ĐH)

Tự chủ làm thay đổi diện mạo của giáo dục đại học

Tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho hay, quy mô đào tạo đại học chính quy có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023.

Trong đó, đáng chú ý là sự tăng đáng kể của lĩnh vực Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y (khối ngành này tăng 62.060 sinh viên với tỷ lệ 10,59% so với năm 2023). Điều này cho thấy các cơ sở đào tạo đã quan tâm đến xu hướng phát triển bền vững, phát triển các ngành kỹ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Quy mô đào tạo thạc sĩ cũng có xu hướng tăng đều trở lại ở tất cả các khối ngành so với năm 2023. Trong đó, tăng mạnh nhất là khối ngành đào tạo giáo viên (tăng 3.353 học viên tương ứng tăng 34,79% so với năm 2023); khối ngành Kinh doanh và quản lý, Pháp luật (tăng 3.205 học viên với tỷ lệ tăng 10,48% so với năm 2023),… Khối ngành Nghệ thuật cũng có sự chuyển biến do có sự quan tâm của Bộ chủ quản, quy mô đào tạo thạc sĩ đã tăng tỷ lệ 39,12% nhưng số lượng tăng chỉ 178 học viên cao học.

Đặc biệt, quy mô đào tạo tiến sỹ tăng mạnh nhất là khối ngành: Toán và Thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng,… tăng 637 nghiên cứu sinh (NCS) với tỷ lệ tăng 33,32% so với năm 2023. Khối ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên tăng 390 NCS với tỷ lệ tăng 57,52%; khối ngành Đào tạo giáo viên tăng 350 NCS với tỷ lệ tăng 51,32%... Theo đánh giá của bà Thủy, đây là những hướng phát triển rất tích cực.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, số lượng ngành đào tạo được mở mới tiếp tục tăng trong năm vừa qua, đặc biệt là các ngành do các cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ triển khai. Các ngành đào tạo quan tâm mở nhiều trong năm 2024 gồm: Du lịch, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Trí tuệ nhân tạo...

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chất lượng đào tạo dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao và yêu cầu phát triển kinh tế tri thức. Trình độ ngoại ngữ, trong đó có trình độ tiếng Anh của lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp... chưa có sức hút đối với người học. Đa số cơ sở giáo dục đại học chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học, chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu khoa học.

Học phí chưa bù đắp chi phí đào tạo

Cũng theo Bộ GD&ĐT, ngân sách chi thường xuyên hàng năm tiếp tục cắt giảm gây khó khăn cho các đơn vị trong bảo đảm chất lượng đào tạo. Mức thu học phí vẫn chưa thể thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo do áp lực cạnh tranh trong tuyển sinh. Đồng thời, tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nên các trường vẫn đưa ra mức học phí chưa tính đủ chi phí...

Ngân sách cấp hạn chế, cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên, nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, không có kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, cũng không còn chênh lệch thu - chi để tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thực hiện tự chủ nhưng chưa thực sự gắn với việc tự chịu trách nhiệm giải trình xã hội về chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra. Một số trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng nên lúng túng trong thực hiện, không dám đổi mới. Một số cơ sở còn dựa vào lợi thế ngành, dựa vào đội ngũ giảng viên ngoài cơ hữu để xác định chỉ tiêu nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo là mục đích chính của tự chủ đại học. Năng lực quản lý, quản trị cơ sở vật chất của một số đơn vị còn hạn chế…

Theo Bộ GD&ĐT, mặc dù học phí thực hiện theo cơ chế giá quy định tại Luật Giá, Luật Giáo dục và theo Nghị quyết số 19-NQ/TW nhưng khung và mức thu học phí còn quá thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo.

Bên cạnh đó, quyết định tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 1/7 vừa qua, khiến quỹ tiền lương của các đơn vị hằng năm tăng cao, gây khó khăn trong cân đối nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.

Các nhà trường vẫn phải thực hiện mức thu học phí theo quy định của Nhà nước, mức thu thấp, gây khó khăn cho các đơn vị. Trong khi mức lương phải thực hiện theo ngạch bậc đúng quy định nhưng nội dung mức chi phải đúng quy định nhà nước, đặc biệt các trường không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp, dẫn đến đời sống cán bộ, giáo viên khó khăn.

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, mặc dù năm nay học phí đã tăng theo lộ trình nhưng cùng với việc tăng lương cơ sở, trong 7 tháng từ nay đến cuối năm, nhà trường cần chi thêm khoảng 12 tỷ đồng để tăng lương cho cán bộ, giảng viên. Điều này gây áp lực rất lớn lên vai không chỉ trường này mà cả lãnh đạo các nhà trường khác.

Trước khó khăn về việc tăng lương và nguồn thu từ học phí còn thấp, theo GS Trình, nhà trường phải “liệu cơm gắp mắm”, các bên tham gia phải chia sẻ cùng nhau. Cụ thể, nhà trường chia sẻ với gia đình người học bằng các biện pháp tiết kiệm chi phí, tăng biện pháp quản trị. Người học coi đây là một nguồn đầu tư về sau.

Theo GS Trình, nhà trường không thể tăng học phí quá mức, vì như vậy sẽ trái quy định và gây áp lực lên gia đình người học, trong khi đó lương cán bộ, giảng viên phải tăng theo lộ trình. Việc tăng lương rất nặng cho nhà trường. “Thời gian qua, chúng tôi chịu bài toán cạnh tranh giảng viên giỏi, nhất là các ngành công nghệ, kỹ thuật… Nếu bảo đảm đủ sống, lương của các ngành này phải tương đối so với các doanh nghiệp đang trả. Chẳng hạn doanh nghiệp trả cho họ 10, các trường phải cố gắng trả được 8 họ mới yên tâm để ở lại. Nếu nhà trường chỉ trả khoảng 3, 4, rất khó giữ chân giảng viên. Điều này là bài toán đặt nặng lên vai các lãnh đạo cả trường công lẫn trường tư. Vậy nên giải pháp của chúng tôi cố gắng sử dụng hiệu quả ngân sách, tăng lương cho giảng viên nhưng học phí của sinh viên tăng chậm”…

Đối với trường tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng hệ số 2 hoặc 2,5 lần. Đối với chương trình đạt mức kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.

Đối với trường dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí do mình quyết định (nội dung này được quy định tại Luật Giáo dục)…

Tự chủ cùng với tự kiểm soát, tự biết mình ở đâu…

Xoay quanh từ khóa “chất lượng”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những thách thức với giáo dục đại học. Đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên phạm vi toàn cầu đối với hệ thống giáo dục. Cạnh tranh trong thu hút giảng viên, người học; cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội… Chúng ta chấp nhận cạnh tranh và coi đó là điều thúc đẩy cho phát triển, đổi mới, gia tăng chất lượng. Tiếp đó là việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế có nhiều điểm đặc thù như Việt Nam.

Tại Việt Nam, tỷ trọng doanh nghiệp FDI chiếm một phần rất lớn. Khi đó, nhu cầu nhân lực sẽ không giống như các nền kinh tế khác. Doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư ở Việt Nam phần nhiều là lĩnh vực mới, hoặc Việt Nam không có sẵn, nên chúng ta luôn ở tình thế bất lợi trong đáp ứng nhu cầu nhân lực, dù các cơ sở giáo dục đại học năng động, ý chí vươn lên mạnh mẽ. Lấy ví dụ từ ngành công nghệ bán dẫn, công nghệ mũi nhọn, nhận định từ thực tế tuyển sinh năm nay, cũng là năm đầu tiên cho thấy sự nhạy bén, nắm bắt thời cơ, tinh thần vào cuộc với trách nhiệm rất cao của các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng chúng ta sẽ vượt qua được thách thức này.

“Chúng ta trải qua một giai đoạn triển khai tự chủ đại học, từ thí điểm đến diện rộng. Tự chủ làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta từng bước để tự chủ ngày càng cao hơn, chiều sâu và thực chất hơn. Đồng thời với đó, bên trong hệ thống cần gia tăng một số “tự”: tự kiểm soát; tự điều tiết; tinh thần tự lực, tự cường; tự biết mình ở đâu để tự soi, tự sửa, tự tin hơn để hành động; tự mình từng ngày làm tốt hơn để hướng đến chất lượng cao hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đọc thêm