Từ chuyện bát bún riêu 400.000 đồng - đừng 'đùa' với niêm yết giá

(PLVN) -  Những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, một trong những chủ đề dư luận quan tâm là câu chuyện “bát bún 400 ngàn đồng” tại Hà Nội. Theo đó, một quán bún đã có hơn 30 năm bán hàng nhưng không niêm yết giá, bị một khách “tố” trên mạng xã hội là lấy 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún, nghĩa là bát bún giá đến 400 ngàn đồng. Đó quả là một cái giá “mắc khủng khiếp”.
3 bát bún riêu của nhóm khách ăn lúc 1h mùng 1 Tết bị thu giá 1,2 triệu đồng (Ảnh: Dân trí).

Sự việc sau đó được chủ quán giải thích là “nói đùa”, thực tế 40 ngàn đồng, nhưng nói cho vui thành 400 ngàn đồng và khi người mua chuyển khoản 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún thì cũng không để ý, nên mới xảy ra chuyện.

Giải thích của chủ quán gây ra hai luồng quan điểm. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng đó là biện bạch không hợp lý. Luồng quan điểm thứ hai cho rằng đó là đùa thật. Bản thân người viết bài này cũng từng gặp một số chủ quán có cách “đùa” như trên, như một quán cơm gần cầu La Ngà (Đồng Nai) ven QL20 thường có cách “đùa” như vậy với khách bất kể lạ quen. Ví dụ bữa cơm 200 ngàn, ông sẽ vừa cười tươi vừa nói “2 triệu”.

Nhưng tất cả đều cùng thống nhất quan điểm: Tuyệt đối không nên “đùa” chuyện giá cả. Cách “đùa” này vừa phản ánh sự thiếu duyên của người bán hàng, vừa làm người mua hàng bất an, vừa trái luật.

Câu chuyện “đùa” trên mới đây cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhắc lại tại cuộc họp Ban Chỉ đạo giá ngày 6/2. Phó Thủ tướng cho biết một số quy định của Luật Giá chưa được thực hiện nghiêm tại một số nơi. “Phải niêm yết và bán theo giá niêm yết”, Phó Thủ tướng chỉ đạo các quy định về niêm yết giá phải thực hiện nghiêm để giữ môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh thao túng, nâng khống giá bán. Bộ Tài chính được yêu cầu tham mưu Thủ tướng ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện ngay và nghiêm túc việc này. Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ đắt hay rẻ, mà phải công khai, minh bạch về giá để người mua hàng lựa chọn, tránh tình trạng người bán lợi dụng “bắt chẹt” khách để lấy tiền.

Luật Giá yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh đều phải công khai niêm yết giá tại khoản 2 Điều 6; phải “niêm yết giá bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng các hình thức:in, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì của hàng hóa, hoặc các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm bán hàng” (khoản 2 Điều 26). Thế nhưng, không ít cơ sở, cá nhân vẫn không thực hiện điều này.

Về phía người tiêu dùng, theo Điều 10 và 11 Luật Giá, có quyền và nghĩa vụ lựa chọn và thỏa thuận về giá; yêu cầu bên bán cung cấp thông tin về giá; báo tin cho cơ quan nhà nước về đối tượng vi phạm về giá. Thế nhưng, trong thực tế không ít người vì tâm lý sợ bị “đánh giá, chê cười” nên không thực hiện các quyền và nghĩa vụ luật định này; dù không thấy niêm yết giá nhưng vẫn mua hàng, sử dụng dịch vụ; để rồi khi phải trả số tiền không như mình dự đoán thì lại cảm thấy bực bội, rồi xung đột, mâu thuẫn. Vì vậy, không chỉ trách người bán, mà cũng nên trách cả người mua. Luật đã rất rõ ràng, nên khi cả bên bán, bên mua đều hiểu và thực hiện nghiêm túc các quy định, người tiêu dùng từ chối các hàng hóa dịch vụ không niêm yết giá; thì chắc chắn những phức tạp không đáng có này sẽ bị triệt tiêu khỏi đời sống.