Gìn giữ 'lộc trời' núi Ngọc Linh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dãy núi Ngọc Linh đi qua hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam với ngọn cao nhất 2.605m, là khu vực duy nhất cây sâm Ngọc Linh có thể phát triển. Gìn giữ phát huy nguồn lợi “lộc trời” này, người dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo.
Sâm Ngọc Linh hiện được trồng nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con đồng bào dân tộc thoát nghèo. (Ảnh trong bài: Trọng Triển)
Sâm Ngọc Linh hiện được trồng nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con đồng bào dân tộc thoát nghèo. (Ảnh trong bài: Trọng Triển)

Loài cây chỉ mọc quanh núi Ngọc Linh

Từ xa xưa, người Xơ Đăng đã lưu truyền câu chuyện về ngọn núi thiêng, nguồn gốc cây sâm Ngọc Linh.

Ngọc Linh là ngọn núi che chở cho linh hồn người chết, nuôi nấng xác thân người sống. Dưới chân núi, có cặp vợ chồng nhiều năm ngày đêm cầu khấn thần núi mới sinh hạ được một bé trai. Dù cha mẹ hết mực yêu thương, chăm sóc, nhưng đứa trẻ vẫn ốm yếu, gầy còm, được gọi là Rọm Con. Rọm Con được gửi một thầy lang chăm sóc, ngày ngày theo thầy lên núi hái thuốc, đi chữa bệnh.

Một ngày nọ, đất trời mịt mù mây đen, một đại dịch ập đến khiến cả làng người già mắt lòa, phụ nữ đau bụng dữ dội, thanh niên trai tráng ốm lăn lóc liệt giường. Rọm Con băng rừng, lội suối đi tìm thảo dược quý điều chế thuốc cứu dân làng, rồi gục xuống bên một gốc cổ thụ ở lưng chừng núi.

Củ ngải Rọm Con chỉ mọc quanh núi Ngọc Linh, nên sau này còn được gọi sâm Ngọc Linh.

Củ ngải Rọm Con chỉ mọc quanh núi Ngọc Linh, nên sau này còn được gọi sâm Ngọc Linh.

Trời mưa xối xả, sáng hôm sau, nơi Rọm Con nằm xuống, một loài cây lạ mọc lên. Củ của nó xù xì nhưng lá vươn lên như những bàn tay, hoa như những tia nắng mặt trời, quả chín đỏ như những viên ngọc lấp lánh. Rọm Con chết, thân thể hóa thành loại thuốc quý cứu dân làng, chữa khỏi cho người bệnh nặng, bồi bổ sức khỏe. Ghi nhớ công ơn, dân làng đặt tên cho loài dược liệu quý là củ ngải Rọm Con. Và loài cây này chỉ mọc quanh núi Ngọc Linh, nên sau này còn được gọi sâm Ngọc Linh.

Người Xơ Đăng nhiều năm qua cũng đã hiện thực hóa giấc mơ đổi đời bằng sâm Ngọc Linh. Tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), được mệnh danh “thủ phủ sâm Ngọc Linh”, người dân địa phương đã, đang gieo trồng, chăm sóc hàng trăm ha sâm dưới các tán rừng già.

Một số năm trước, một số nhà đầu tư đã đến thực hiện một số dự án trồng sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri. Hàng chục hộ dân trên địa bàn xã được tuyển dụng vào chăm sóc vườn sâm cho DN. Nhận thấy những giá trị kinh tế cao, người dân cũng mạnh dạn vay vốn chính sách để trồng sâm.

Tại vườn sâm của gia đình, anh A Chung không khỏi vui mừng chứng kiến gia tài tiền tỷ của mình đang lớn lên mỗi ngày. Anh Chung chia sẻ: “Xưa kia, người dân chỉ nghĩ cây sâm này tốt, đi tìm trên rừng về để dùng chữa bệnh hoặc bán với giá rất rẻ. Từ năm 2015, một số DN mở dự án trồng sâm, tuyển dụng người địa phương vào làm. Thông qua đó, người dân cũng học hỏi được kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư trồng”.

Tất cả cùng có lợi

Quan điểm “win - win” tất cả cùng thắng, tất cả cùng có lợi, đã được một số DN áp dụng khi tới đây làm ăn. Tại một số dự án, mỗi hộ dân khi được DN tuyển dụng vào chăm sóc và bảo vệ rừng sâm sẽ được nhận thù lao hàng tháng. Đồng thời, tại một số DN, ví dụ như Cty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum, mỗi năm sẽ hỗ trợ 100 cây giống sâm Ngọc Linh với 1 hộ gia đình, để người dân từ đó gầy dựng nên gia sản của riêng mình.

Theo đại diện UBND huyện Tu Mơ Rông, huyện xác định sâm Ngọc Linh là cây xóa đói giảm nghèo chủ lực của bà con đồng bào địa phương. Trong những năm qua, huyện đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi tối đa để người dân và DN cùng phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 2.937ha cây dược liệu, trong đó sâm Ngọc Linh là 1.715ha.

Mỗi cây sâm Ngọc Linh đều có mã QR để tránhviệc trà trộn sâm giả.

Mỗi cây sâm Ngọc Linh đều có mã QR để tránhviệc trà trộn sâm giả.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, với việc phát triển trồng dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng, bước đầu đã tạo ra nguồn thu rất lớn cho người dân bản địa. Như ở xã Măng Ri, hiện có đến 80% hộ dân người Xơ Đăng đang trồng, phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu. Có một số hộ nhận chăm sóc và liên kết với các DN để phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Cùng với danh tiếng của sâm Ngọc Linh, địa phương cũng đang triển khai nhiều hoạt động nhằm quảng bá các danh lam thắng cảnh trên địa bàn nhằm thu hút du lịch. Địa phương dự định tạo những sản phẩm du lịch đặc biệt để thu hút DN, du khách tới trải nghiệm, nhận biết, phân biệt cây sâm Ngọc Linh. Trong thời gian tới, huyện xác định phương châm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch là định hướng phát triển xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đọc thêm