Từ "chuyện đổ bể" của nữ "đại gia" miền Tây...

Liên quan sự kiện Công ty cổ phần thủy sản Bình An (Binhanfishco) gặp khó khăn trong thanh toán công nợ với một số Ngân hàng, các chủ nợ cá nhân khác đang gây xôn xao dư luận, xảy ra trong bối cảnh ngành nuôi trồng và xuất khẩu cá đang phải chống đỡ với diễn tiến thị trường kinh doanh không thuận lợi.

[links()]Sự kiện Công ty cổ phần thủy sản Bình An (Binhanfishco) gặp khó khăn trong thanh toán công nợ với một số Ngân hàng, các chủ nợ cá nhân khác đang gây xôn xao dư luận, xảy ra trong bối cảnh ngành nuôi trồng và xuất khẩu cá đang phải chống đỡ với diễn tiến thị trường kinh doanh không thuận lợi.

Người dân địa phương rất quan tâm tới vụ nợ nần của Bianfishco (ảnh: Đất Việt)
Người dân địa phương rất quan tâm tới vụ nợ nần của Bianfishco. Ảnh: Báo Đất Việt

Đã có nhiều thông tin, đánh giá liên quan đến nguyên nhân của tình trạng “rơi tự do”, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cả về mặt kinh tế và xã hội, không chỉ sự tồn tại hay không tồn tại của một doanh nghiệp đã có thời gian là một điển hình vượt khó đi lên, mà còn liên đới đến đời sống và công ăn việc làm của hàng ngàn công nhân.

Câu chuyện lùm xùm này có lẽ bắt đầu từ việc Ngân hàng có mối quan hệ tín dụng với doanh nghiệp bất ngờ từ chối cho vay tiếp, thậm chí đã tiến hành các biện pháp nhằm xử lý tài sản đảm bảo cho các khoản vay, trong đó có việc phong tỏa tài khoản, thu hồi, bán tài sản thế chấp…

Như vậy, vấn đề cần bàn ở đây chính là phải xét bản chất sự việc từ nguyên nhân gốc của nó là mối quan hệ tín dụng giữa Ngân hàng là người cho vay và doanh nghiệp là người đi vay đã được các bên thiết lập, quan hệ, thực thi các quyền và nghĩa vụ, thái độ, cách thức ứng xử khi xảy ra dư nợ quá hạn, dẫn đến tranh chấp giải quyết như thế nào

Theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ như nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

Trong quá trình thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng cho doanh nghiệp, các ngân hàng nói chung đều dựa trên cơ sở pháp lý là hệ thống luật lệ kinh doanh trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, các quy chế nội bộ của Ngân hàng thương mại và tiến hành kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, quản lý và xử lý tài sản đảm bảo đúng quy trình và quy định của pháp luật.

Theo điều 94 và 95 của Luật các tổ chức tín dụng, về mặt pháp lý, tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng. Họ cũng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng, có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng. Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua bán nợ của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp khách hàng vay hoặc người bảo đảm không trả được nợ do bị phá sản, việc thu hồi nợ của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

Như vậy, bên cạnh việc doanh nghiệp sai lầm trong đánh giá nhu cầu thị trường, chưa có quy trình khép kín từ việc nuôi trồng, chế biến, đến tổ chức kinh doanh xuất khẩu, thậm chí sử dụng vốn vay ngắn hạn đầu tư vào các dự án bất động sản đang “đóng băng”, chi tiêu sai mục đích, sống xa hoa, lãng phí…, vấn đề đặt ra là trong quá trình tác hợp mối lương duyên giữa Ngân hàng và doanh nghiệp đó, vai trò kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay của Ngân hàng đến đâu ?

Thực tế nhiều vụ án hình sự nảy sinh từ hoạt động tín dụng thời gian qua mà tôi có điều kiện tham gia, có một thực tế là chính tổ chức tín dụng cũng tự đặt mình vào “thế khó”, thậm chí là vi phạm pháp luật, khi vì mục đích tăng doanh số cho vay nên đã không xem xét kỹ lưỡng hồ sơ tín dụng, thông đồng với doanh nghiệp hợp thức hóa hồ sơ cho vay, thiếu kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay… Đặt tình huống cụ thể của Binhanfishco, có thể để đảm bảo nguồn vốn vay cả ngàn tỷ đồng, Công ty đã phải đưa nhà máy, đất đai, các dự án bất động sản vào thế chấp và đương nhiên, Ngân hàng phải biết rõ “đường đi lối về” của dòng vốn mình rót cho doanh nghiệp.

Nếu ngay từ đầu, việc kiểm tra, sử dụng vốn vay đúng mục đích được các tổ chức tín dụng tuân thủ một cách nghiêm túc, thì chắc chắn không có sự kiện doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, đặt Ngân hàng vào thế buộc lòng phải ngưng cho vay và xử lý tài sản bảo đảm. Và một điều có thể hạn chế được là việc chi tiêu bừa bãi, lối sống xa hoa, lãng phí không phải được tích lũy từ công sức lao động, kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, cá nhân, mà chỉ từ nguồn vốn vay đã không xảy ra…

Luật sư Phan Trung Hoài

Đọc thêm