Doanh nghiệp, người dân và cả các ngân hàng vừa trải qua thời điểm náo loạn về lãi suất. Đầu tiên là Techcombank gây sốc với 3 ngày vàng, đưa mức lãi suất huy động lên tới 17%/ năm. Tuy chỉ là một đợt khuyến mại có điều kiện, nhưng mức lãi suất “khủng” này khiến các ngân hàng giật mình. Ngay sau đó, có ngân hàng đã nâng lãi suất huy động lên tới 18% buộc Ngân hàng Nhà nước phải tuýt còi và kết quả, chỉ sau đó vài giờ, lãi suất đã hạ nhiệt xuống còn 14%/ năm. Cho dù vậy, doanh nghiệp và người dân đều manh nha nhận thấy cuộc chiến lãi suất đã ngấm ngầm từ bao lâu nay, giờ có thể “phát hỏa” bất cứ lúc nào. Điều này cũng cho thấy, việc huy động vốn đối với các ngân hàng càng ngày càng khó khăn và ngân hàng nào cũng phải tìm mọi cách để lôi kéo nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao trong dịp cuối năm.
Thực tế, lãi suất huy động vốn của ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là những quy định của Ngân hàng Nhà nước, sau đó là nguồn vốn trong dân và một phần rất quan trọng là tỷ lệ lạm phát… Năm 2010, giá cả hàng hóa tăng chóng mặt, đồng tiền tiết kiệm gửi ngân hàng với mức lãi suất 11- 12%, thậm chí là 14%, không thấm tháp gì so với kỳ vọng của người có tiền. Trong khi đó, chỉ cần bắt được cơ hội thần kỳ từ cơn sốt giá vàng vừa qua thì không ít người đã có mức lãi gấp 4- 5 lần, tới hàng chục lần. Ngoài ra, còn có bất động sản, có chứng khoán… Nghĩa là đồng tiền có chân chạy đi nhiều nơi và ngân hàng chỉ là một trong những địa điểm tuy an toàn nhưng lợi nhuận không cao. Thêm vào đó, doanh nghiệp luôn khát vốn, càng cuối năm càng cần nhiều.
Nếu để ý theo dõi động thái của các ngân hàng gần đây thì lãi suất huy động vốn giờ đây không hẳn chỉ là lãi suất đã thông báo. Kèm theo đó còn là quà tặng, là thưởng lãi suất, là tiết kiệm dự thưởng mà giải thưởng là nhà to, là ô tô đẹp, xe máy và hàng trăm đồ dùng khác… Như thế cũng đủ thấy, ngân hàng huy động vốn với mức lãi suất không rẻ chút nào. Cộng thêm nhiều chi phí hoạt động khác, lãi suất cho vay cũng buộc phải dâng lên cao và kết quả là doanh nghiệp bị kẹt ở giữa, vay cũng dở mà không vay cũng loay hoay. Giám đốc một doanh nghiệp lớn của thành phố cho biết, nếu lãi suất dâng cao hơn chút nữa, doanh nghiệp đành phải đóng cửa bởi làm ăn lúc này vô cùng khó khăn, mức lợi nhuận hơn 10% đã là cao mà riêng khoản lãi ngân hàng đã phải gánh tới gần 20%, chưa kể tới hàng trăm loại chi phí khác phục vụ hoạt động của doanh nghiệp…Vì thế, các ngân hàng “đua” lãi suất bao nhiêu thì doanh nghiệp đau đầu bấy nhiêu. Đó là chưa kể tới những thủ thuật trong mua, bán ngoại tệ của ngân hàng, doanh nghiệp phải trả tiền mua với giá cao nhưng không có đủ chứng từ để thanh toán một cách hợp lệ, hợp pháp.
Điều cần chú ý là trong khi các ngân hàng nội đang mải mê với cuộc đua lãi suất thì có nhiều ngân hàng ngoại đã bắt đầu chiến dịch tìm kiếm thị trường tại các doanh nghiệp. Họ tới tận các doanh nghiệp mà theo họ là có tiềm năng tại các tỉnh, thành phố, mời chào các dịch vụ và đặc biệt là có thể đáp ứng nhu cầu ngoại tệ, chứng từ thanh toán hợp pháp, lãi suất cho vay vốn rẻ hơn… Một số doanh nghiệp tại Hải Phòng đã nghiêng theo xu hướng này, bắt đầu mở tài khoản tại ngân hàng ngoại.
Như thế càng chứng tỏ, các ngân hàng cũng cần bắt đầu nhìn lại mình. Thời điểm yêu cầu tăng vốn tới 3000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước sắp hết, chắc chắn sẽ có không ít ngân hàng không thực hiện kịp và phải có phương án xử lý, nhưng số ngân hàng còn lại của Việt Nam vẫn còn quá nhiều. Thực tế đó đòi hỏi phải có một cuộc sắp xếp, nâng cao tiềm lực của các ngân hàng, đủ sức cạnh tranh với ngân hàng ngoại và chỉ có như vậy mới không có chuyện “ náo loạn lãi suất” như thời gian qua. Điều quan trọng là ngân hàng và doanh nghiệp phải luôn đồng hành với nhau. Trong khi yêu cầu hạ lãi suất chưa đáp ứng được thì ít nhất không được dâng lên quá cao, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và kèm theo đó, ngân hàng cũng phải gánh chịu nhiều hệ lụy.