Từ cựu tù trở thành nhà điêu khắc

Ông Nguyễn Việt Minh ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) từ nhỏ đã có năng khiếu về nghề đá mỹ nghệ, nhưng theo tiếng gọi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã tòng quân nhập ngũ từ năm 1964 và trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn R20 Quảng Đà. Xuân Mậu Thân 1968, trong trận tấn công Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy, ông đã bị giặc bắt và đày ra đảo Phú Quốc, đến năm 1973 được trở về với đồng đội...

Ông Nguyễn Việt Minh và cửa hàng đá mỹ nghệ. 

Ông Nguyễn Việt Minh ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) từ nhỏ đã có năng khiếu về nghề đá mỹ nghệ, nhưng theo tiếng gọi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã tòng quân nhập ngũ từ năm 1964 và trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn R20 Quảng Đà. Xuân Mậu Thân 1968, trong trận tấn công Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy, ông đã bị giặc bắt và đày ra đảo Phú Quốc, đến năm 1973 được trở về với đồng đội...

Sau ngày nước nhà thống nhất, trở về quê hương, ông Minh đã dày công tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật sản xuất đá mỹ nghệ với tất cả niềm say mê, tâm huyết. Ngày ngày, ông miệt mài đục đẽo, mài giũa, biến những tảng đá vô tri thành những sản phẩm mỹ nghệ đặc sắc. Nhiều hôm, ông say mê chế tác quên cả trưa, tối. Có tác phẩm phải chỉnh đi sửa lại hàng chục lần. Không ít sản phẩm phải làm hàng tháng trời mới xong.

Ông tâm sự, từ khi thai nghén ý tưởng cho đến khi vẽ được mẫu, rồi đục đẽo cho nên vóc nên hình một tác phẩm là cả quá trình lao động công phu và sáng tạo. Nếu thiếu tính sáng tạo thì suốt đời thợ đá vẫn hoàn thợ đá! Chính nhờ sáng tạo và kiên trì, sản phẩm của ông ngày càng tinh xảo, đa dạng và hấp dẫn. Đồng thời, ông thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tình hình thị trường, kịp thời sản xuất những sản phẩm phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, nên hàng làm ra bao nhiêu cũng tiêu thụ hết.

Đầu năm 1987, ông Minh mở cơ sở sản xuất-kinh doanh và đào tạo nghề tại số 53 đường Huyền Trân Công Chúa (quận Ngũ Hành Sơn). Ông trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn cả lý thuyết, thực hành và đã dạy nghề điêu khắc đá cho hàng trăm người. Học trò được ông chu cấp toàn bộ chi phí ăn ở, quần áo và hỗ trợ thêm mỗi tháng 600.000 đồng/người, với thời gian đào tạo từ 2-3 năm, ra nghề đảm nhiệm được vị trí thợ cả, thợ chính.

Khu sản xuất của ông rộng hàng ngàn mét vuông, với gần 40 lao động, ngày ngày nhộn nhịp như một công trường. Ông mua sắm nhiều trang, thiết bị hiện đại và nhiều công đoạn được thi công bằng máy móc. Đá nguyên liệu là loại đá cẩm thạch, mua từ Nghệ An và Thanh Hóa. Sản phẩm có hàng trăm chủng loại với rất nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Có bức tượng cao tới 7 mét, nặng 21 tấn, giá bán gần 1 tỷ đồng. Du khách đến xem những bức tượng Phật, danh nhân, thần vệ nữ, chim thú các loại, ai cũng trầm trồ thán phục. Sản phẩm của ông đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như Đức, Pháp, Mỹ, Canada, được khách hàng gần xa hết sức ưa chuộng.

Từ một chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm năm nào, giờ đây ông Nguyễn Việt Minh đã trở thành một nhà điêu khắc giỏi, được đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Làng nghề điêu khắc đá Non Nước. Ông còn là một tấm gương sáng về lòng nhân ái với nhiều hoạt động nhân đạo-từ thiện. Ông dành toàn bộ lương thương binh (hạng 2/4) ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa và các chương trình xóa nghèo của phường Hòa Hải. Ngoài ra, mỗi năm ông còn đóng góp hàng chục triệu đồng cho các hoạt động văn hóa, thể thao và khuyến học tại địa phương.

Người cựu tù Phú Quốc năm nay đã gần tuổi “cổ lai hy”, nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, là đại biểu của thành phố Đà Nẵng tham dự Hội nghị Người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc.

Bài và ảnh: MINH NGỌC

Đọc thêm