Từ du lịch mùa trái chín nghĩ về tiềm năng du lịch nông nghiệp ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bốn mùa tại Việt Nam đều có những đặc sản hoa quả riêng biệt tạo nên một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với khách du lịch. Đây là một thế mạnh để Việt Nam phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp nhằm đa dạng các sản phẩm, thu hút du khách đến trải nghiệm.
Các hợp tác xã, nhà vườn thu hút rất nhiều lượt khách đến mỗi năm. (Nguồn: Tripoli-City)
Các hợp tác xã, nhà vườn thu hút rất nhiều lượt khách đến mỗi năm. (Nguồn: Tripoli-City)

Giàu tiềm năng phát triển

Mới gần đây nhất, hình ảnh một nam tài tử Hàn Quốc khiến cộng đồng mạng thích thú khi cùng bạn bè ăn đến 25kg xoài trong chuyến du lịch ở Nha Trang, Việt Nam. Được biết, trong chuyến đi của mình, ngoài việc đăng hình ảnh nghỉ dưỡng, vui chơi, nam diễn viên còn có những bài chia sẻ rất hấp dẫn về các nông sản địa phương của Việt Nam như xoài, sầu riêng, cà phê,...

Thực tế, Việt Nam có rất nhiều loại hoa quả nhiệt đới như sầu riêng, mít, vải, dừa, xoài... được trồng phổ biến, rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố, địa phương trên cả nước với sản lượng cao. Ngoài việc xuất khẩu, bán đi khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, hiện nay, du lịch sinh thái kết hợp việc ghé thăm vườn cây trái, tổ chức lễ hội hoa quả đang được nhiều nơi thực hiện vừa thu hút hàng nghìn lượt khách.

Đặc biệt, nước ta có lợi khi cả bốn mùa đều cho ra những loại hoa quả đặc trưng. Mùa hè khách có thể đến miệt vườn miền Tây để thưởng thức sầu riêng, măng cụt, dưa lưới. Mùa thu, du khách sẽ đến vườn hồng vừa “check in” (chụp ảnh), vừa nhâm nhi trái cây. Mùa đông, vườn cam, vườn bưởi chính là địa điểm được khách ghé thăm để thưởng thức những tép hoa quả ngon, mọng nước. Cho đến mùa xuân, khách tham quan sẽ về với vùng cao Tây Bắc nếm trái đào, trái mận đầu mùa chua chua, ngọt ngọt.

Nhiều địa phương đã xác định khai thác thế mạnh từ sản phẩm OCOP hoa quả phục vụ du lịch. Mới gần đây nhất, tỉnh Bình Dương có chiến lược quảng bá du lịch rất độc đáo bằng Lễ hội mùa trái chín năm 2024 mang tên “Lái thiêu mùa hẹn” nhằm giới thiệu hình ảnh tươi đẹp của tỉnh gắn với hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái nhà vườn.

Bình Dương hiện tại có gần 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Lễ hội mùa trái chín sẽ giúp du khách trải nghiệm sản phẩm hoa quả đặc trưng của các hợp tác xã nông nghiệp như phẩm cam sành của Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại Dịch vụ Năm Hạng (xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên) đạt 4 sao; bưởi da xanh của Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) đạt 4 sao; ổi tươi của Hợp tác xã Nông nghiệp Ổi Thanh Kiên (huyện Phú Giáo) đạt 3 sao...

Một trong những tỉnh, thành phố khai thác rất tốt thế mạnh về mùa hoa quả là Đà Lạt (Lâm Đồng). Khoảng tháng 9, khi vườn hồng bắt chín rộ, thời tiết dịu mát cũng là lúc khách du lịch tới Đà Lạt nhiều nhất. Vườn hồng với những trái vàng căng, mọng, e ấp trong cái nắng dịu dàng đã trở thành điểm đến điểm đến đặc trưng của Đà Lạt vào mùa thu. Nhiều nhà vườn “bội thu” khách trong dịp này, như vườn hồng Lễ Vân thu hút từ 200 - 300 khách mỗi ngày vào vườn vừa ăn, vừa chụp ảnh, vừa mua các sản phẩm hồng sấy khô, treo gió, hồng tươi làm quà tặng bạn bè. Hình ảnh trái hồng trở thành “đại sứ du lịch” kết nối Đà Lạt đến với khách trong và ngoài nước.

Phát triển du lịch bền vững từ những nhà vườn

Du lịch nông thôn đến các trang trại, miệt vườn hiện đang là một hướng phát triển bền vững ở nhiều địa phương. Đem lại nhiều lợi ích như bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, mở rộng đa dạng các tuyến du lịch của tỉnh, thành phố.

Hiện nay, ở nhiều huyện, xã nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch mùa hoa quả, đã tổ chức rất nhiều buổi phát động trồng cây xanh, cây ăn quả và ứng dụng công nghệ cao để chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tại “thủ phủ” cây ăn quả Bình Định, nhiều nhà vườn ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao của Israel vào sản xuất như trồng rau, hoa quả trong nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động hẹn giờ và điều khiển sản xuất trên điện thoại thông minh...

Từ các chuyến du lịch ghé thăm vườn hoa quả, hợp tác xã, các tỉnh, thành phố có thể mở rộng quảng bá, giới thiệu cho khách thêm những địa điểm văn hóa, tâm linh, di tích lịch sử nổi tiếng của vùng. Từ đó tạo thành một chuỗi các chuyến đi gây hứng thú, “giữ chân” du khách quay trở lại nhiều lần.

Ở tỉnh Hưng Yên, vào mùa nhãn lồng, khách du lịch không chỉ được đến tận vườn thưởng thức những quả nhãn ngon lành, thanh mát mà còn kết hợp đi nhiều tuyến du lịch khác của tỉnh như tới các ngôi chùa cổ với niên đại hàng trăm năm, hay du lịch văn hóa đường sông Phố Hiến - Đa Hòa - Hà Nội; hoặc chi tiền vào dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng tại Ecopark...

Mô hình du lịch trải nghiệm nhà vườn đang có bước những phát triển ở Việt Nam, góp phần đa dạng hóa, phong phú sản phẩm, tăng thêm lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu vẻ đẹp quê hương, con người của các tỉnh, địa phương. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này một cách bền vững, đầu tiên các ngành chuyên môn, các đơn vị kinh doanh du lịch và nhà vườn, hợp tác xã cần có sự liên kết phối hợp chặt chẽ, toàn diện, đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch.

Lấy ví dụ như một mô hình du lịch kết hợp với du lịch nông nghiệp, bao gồm homestay, farmstay và các trang trại, nhà vườn cung cấp dịch vụ trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp du lịch sinh thái đã lan tỏa ở nhiều địa phương, mở ra hướng phát triển mới góp phần xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Đọc thêm