Tự in hóa đơn: Doanh nghiệp lúng túng, nhà in quá tải

Chỉ còn ít ngày nữa Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc doanh nghiệp tự in hóa đơn sẽ có hiệu lực. Thời điểm được cho là “nước sắp đến chân” như lúc này đã tạo nên cơn “sốt” trong các doanh nghiệp và cả những đơn vị được phép in hóa đơn.

Chỉ còn ít ngày nữa Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc doanh nghiệp tự in hóa đơn sẽ có hiệu lực. Thời điểm được cho là “nước sắp đến chân” như lúc này đã tạo nên cơn “sốt” trong các doanh nghiệp và cả những đơn vị được phép in hóa đơn.

Mỗi ngày, tại các cơ sở in đều có hàng trăm doanh nghiệp tìm đến nhờ thiết kế và đặt in hóa đơn.

Nghị định 51 quy định từ ngày 1-1-2011, những doanh nghiệp có số vốn đã được hạch toán kế toán từ 5 tỷ đồng trở lên sẽ phải dùng hóa đơn tự in thay vì mua hóa đơn từ ngành Thuế như trước đây. Điều đó có nghĩa là hơn 10.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố hiện nay sẽ phải gấp rút thiết kế mẫu mã và đặt hàng in hóa đơn cho mình.

Theo Cục Thuế, việc sử dụng hóa đơn tự in sẽ giúp cho các doanh nghiệp chủ động, thuận tiện hơn trong việc sử dụng cũng như “rộng đường” trong việc quảng cáo, giới thiệu thương hiệu của mình lên hóa đơn dựa trên những tiêu chuẩn bắt buộc… Từ tháng 10, Cục Thuế đã thiết lập đường dây nóng hỗ trợ, tư vấn những vướng mắc của các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức 7 lớp tập huấn để triển khai nghị định này. Theo bà Nguyễn Thị Bê, Phó Trưởng phòng Hành chính - Quản trị - Tài vụ- Ấn chỉ Cục Thuế thành phố Đà Nẵng, mỗi ngày có hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến để được tư vấn về những vấn đề xung quanh việc tự in hóa đơn.

Hiện nay chỉ có 7 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đủ điều kiện nhận in hóa đơn. Con số khiêm tốn này đã tạo nên tình trạng quá tải so với lượng hóa đơn các doanh nghiệp đặt in. Theo ông Nguyễn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Kiến Vàng, một trong 7 doanh nghiệp nhận in hóa đơn, mặc dù thời gian còn rất ít nhưng đến thời điểm này, đa số doanh nghiệp vẫn đang loay hoay nghiên cứu mẫu hóa đơn, thiết kế logo và tham khảo giá cả in tại từng doanh nghiệp. “Điều này sẽ làm cho việc in hóa đơn càng lúc càng quá tải trong thời gian tới”, ông Hòa nhận định. Để đáp ứng được nhu cầu in hóa đơn của các doanh nghiệp ngày một nhiều, đơn vị này đã không ngần ngại đầu tư hơn 500 triệu đồng mua sắm thêm thiết bị in ấn, đồng thời tuyển thêm 20 nhân viên thiết kế làm việc liên tục trong tuần.

Một trong những yếu tố “sống còn” của các doanh nghiệp tự in hóa đơn đó chính là tính bảo mật của hóa đơn. Nếu bị làm giả, thiệt hại của doanh nghiệp không thể lường trước được. “Trách nhiệm này thuộc về doanh nghiệp và đơn vị nhận in hóa đơn, mỗi hợp đồng chúng tôi đều có những thống nhất riêng với doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ cung cấp tem chống giả nếu doanh nghiệp nào có nhu cầu bảo mật cao hơn”, ông Võ Dung Anh, Trưởng phòng Kế hoạch-Kinh doanh, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết & Dịch vụ in Đà Nẵng cho biết. Theo ông Anh, các doanh nghiệp đang rất lúng túng trong việc thiết kế mẫu sao cho đúng với quy định cũng như lên kế hoạch in với số lượng đúng nhu cầu nhằm tránh lãng phí. “Một doanh nghiệp tìm đến thường có cả giám đốc, kế toán và nhân viên kỹ thuật, nên lúc nào cũng có hàng chục, thậm chí hàng trăm người vào ra liên quan đến hóa đơn”, ông Anh cho biết thêm.

Theo quy định, các doanh nghiệp được phép sử dụng hóa đơn đã mua trước đó của Cục Thuế, Chi cục Thuế đến hết ngày 31-3-2011. Như vậy còn hơn 3 tháng nữa hóa đơn tự in mới bắt buộc sử dụng rộng rãi. Với tình trạng quá tải như hiện nay, nếu các doanh nghiệp không nhanh chân chủ động tìm hiểu, thiết kế và tiến hành in hóa đơn thì sẽ sớm rơi vào tình cảnh “nước đến chân không kịp nhảy”, bởi đến thời điểm hiện tại, có những hợp đồng in hóa đơn đã ký nhưng phải đến giữa tháng 3 mới hoàn thành.

Bài và ảnh: Phan Chung

Đọc thêm