Từ Liêm chuẩn bị cưỡng chế hộ dân không chịu nhận bồi thường GPMB

Liên quan việc dự án công ty Nguyễn Hoàng bị “đắp chiếu” vì vướng khâu giải phóng mặt bằng ( GPMB) mà PLVN Online đã liên tiếp thông tin thời gian qua, mới đây trao đổi với PLVN Online, ông Nguyễn Công Trình, phó ban GPMB huyện Từ Liêm cho biết sẽ thực hiện các biện pháp để giải quyết dứt điểm trong tháng 5.2013.

[links()]Liên quan việc dự án công ty Nguyễn Hoàng bị “đắp chiếu” vì vướng khâu giải phóng mặt bằng ( GPMB) mà PLVN Online đã liên tiếp thông tin thời gian qua, mới đây trao đổi với PLVN Online, ông Nguyễn Công Trình, phó ban GPMB huyện Từ Liêm cho biết sẽ thực hiện các biện pháp để giải quyết dứt điểm trong tháng 5.2013.

Đã hơn một lần huyện Từ Liêm nói với báo giới sẽ cương quyết cưỡng chế đối với hộ dân không chấp thuận đền bù GPMB một cách hợp tình, hợp lý và tự nguyện di dời.

Ngày 18.12.2012 Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Từ Liêm đã nhận định đủ điều kiện để áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình ông Vũ Quang Suốt và dự kiến việc cưỡng chế sẽ được tiến hành trong tháng 1.2013.

Trước đó nữa, UBND huyện Từ Liêm từng ra “tối hậu thư”: Sau ngày 15/11/2012, hộ gia đình ông Vũ Quang Suốt vẫn không hợp tác, cố tình không nhận tiền và bàn giao mặt bằng thì UBND huyện sẽ báo cáo Thường vụ huyện ủy, UBND thành phố chấp thuận thi hành biện pháp hành chính thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo huyện Từ Liêm đã khẳng định: Nhất định sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong năm 2012 để chủ đầu tư triển khai Dự án đã bị đắp chiếu gần 10 năm nay.

Dự án này 10 năm nay chỉ xây được một bức tường bao chưa trọn vẹn như thế này
Sau gần 10 năm kiên trì GPMB, dự án mới chỉ xây được một bức tường bao chưa trọn vẹn như thế này!

Tuy nhiên trên thực tế,  việc cưỡng chế đã không thực hiện được đúng như kế hoạch. Việc cưỡng chế được “dời” từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác với những lý do rất…khách quan như: vướng dịp tết Nguyên đán, dịp 30/4, dịp 19/5…

Những lý do trên thực sự thiếu thuyết phục, lý do chính yếu theo điều tra của PLVN và chính ông Nguyễn Công Trình, phó ban GPMB huyện Từ Liêm cũng phải thừa nhận thì rõ ràng là có sự “chần chừ” vì hộ gia đình ông Vũ Quang Suốt là hộ gia đình chính sách, không có chỗ ở nào khác.

Tuy nhiên, nếu nói vì lý do này thì chính UBND huyện Từ Liêm trong nhiều báo cáo cũng đã nhận định: Những chính sách đền bù đối với hộ gia đình ông Vũ Quang Suốt, rõ ràng đã đủ lý, tình.  Ngược lại, theo như nhận xét của ông Nguyễn Công Trình, Phó Ban Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm thì chính hộ gia đình ông Suốt đã không hợp tác với doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Quyết định số 2662/QĐ-UBND của UBND huyện Từ Liêm về việc giải quyết khiếu nại của ông Vũ Quang Suốt
Quyết định số 2662/QĐ-UBND của UBND huyện Từ Liêm về việc giải quyết khiếu nại của ông Vũ Quang Suốt

Hồ sơ cũng cho thấy đối với hộ gia đình ông Vũ Quang Suốt, ngoài tiền hỗ trợ, Cty Nguyễn Hoàng đã bố trí căn hộ tái định cư tại KĐT Mỹ Đình 1 trị giá hơn 2,7 tỷ đồng song gia đình ông Suốt vẫn không nhận tiền bồi thường cũng như căn hộ tái định cư. Thậm chí khi Cty Nguyễn Hoàng chấp thuận mua thêm 01 kiot tại chợ Mỹ Đình để hộ gia đình ông Suốt kinh doanh theo đề xuất của chính quyền địa phương nhưng ông vẫn không chấp thuận và yêu cầu được tái định cư bằng đất. Đòi hỏi này của hộ gia đình ông Suốt được các cấp chính quyền từ chối vì không đủ cơ sở xem xét bố trí tái định cư bằng đất ở.

 Trước tình trạng này, ngày 16/8/2011, UBND huyện Từ Liêm đã ban hành quyết định số 7537/QĐ-UBND cưỡng chế thu hồi đất của hộ gia đình ông Vũ Quang Suốt.  Sau đó, ngày 2/10/2012, ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP đã ký công văn số 7576/UBND - TNMT đề nghị UBND huyện Từ Liêm chỉ đạo Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư, chủ đầu tư tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiêu, đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng và di chuyển về chỗ ở đã được bố trí tái định cư.

Trong quyết định trả lời mới nhất về việc giải quyết khiếu nại của ông Vũ Quang Suốt của UBND huyện Từ Liêm ngày 15/5/2013, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Huệ tiếp tục khẳng định giữ nguyên Quyết định 13378/QĐ-UBND ngày 30/9/2010, trong đó tính bồi thường, hỗ trợ về đất nông nghiệp cho gia đình ông Suốt là 201.600 đồng/m2. Do gia đình ông Suốt không có nơi ăn ở nào khác ngoài vị trí đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Vì vậy, ngày 10/6/2011, UBND huyện Từ Liêm đã có quyết định số 5032/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bổ sung đối với hộ gia đình ông Suốt, trong đó xét giao tái định cư căn hộ P403 nhà B6, diện tích 70,6m2 tại khu đô thị mới Mỹ Đình 1, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm.

Quyết định này cũng nêu rõ: Nếu không đồng ý với quyết định này, ông Vũ Quang Suốt có quyền khiếu nại đến UBND thành phố Hà Nội hoặc khởi kiện tại TAND huyện Từ Liêm.

“Chúng tôi mới có cuộc họp về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Huệ phó chủ tịch huyện phụ trách công tác GPMB đã giao cho trưởng ban GPMB huyện thực hiện các biện pháp để tiến hành cưỡng chế, chậm nhất sẽ giải quyết dứt điểm vào 30/05/2013”, ông Nguyễn Công Trình khẳng định.

Công luận đang trông chờ sự “cương quyết” của huyện Từ Liêm lần này trở thành hiện thực chứ không còn “cương quyết trên giấy” như thời gian qua bởi sự chần chừ của các cấp chính quyền thực tế đã nảy sinh những tiền lệ “khó chữa”. Tại xã Mỹ Đình, không chỉ công trình của doanh nghiệp bị “đắp chiếu” mà bản thân dự án xây trường Tiểu học Mỹ Đình là dự án dân sinh nhưng cũng đang nằm trong tình trạng “đắp chiếu” vì vướng một vài hộ dân không chấp thuận đền bù GPMB.  

PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc.

Đừng để doanh nghiệp phải “tự xử”

Dự án của công ty Nguyễn Hoàng đã bị “đắp chiếu” gần 10 năm qua chỉ vì vướng một hộ dân. Bình luận về sự vụ này, luật sư Nguyễn Hoàng Anh, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng sau vụ bảo vệ của công ty Hoa Thành ( Hải Phòng) xô xát với người dân vì 10 năm vẫn không triển khai xây dựng được nhà máy cũng vì vướng một hộ dân không chấp thuận đền bù GPMB, các trường hợp tương tự như vậy cần lấy đây là một bài học kinh nghiệm. Đừng để doanh nghiệp bị dồn vào bước đường cùng và phải “tự xử”. Ngược lại cũng không thể đẩy người dân tới chân tường. Phương án hài hòa lợi ích chính là đáp án tốt nhất, thể hiện bản lĩnh cũng như sự thông tuệ của chính quyền địa phương trước bài toán khó này.

Nhóm PVĐT

Đọc thêm