Từ lúc sơ sinh trẻ đã phân biệt được tốt xấu?

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường đại học Yale (Mỹ) cho thấy rằng trẻ em 6 tháng tuổi đã bắt đầu có thể nhận thức và phân biệt giữa những điều tốt và những điều xấu.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường đại học Yale (Mỹ) cho thấy rằng trẻ em 6 tháng tuổi đã bắt đầu có thể nhận thức và phân biệt giữa những điều tốt và những điều xấu. Kết quả nghiên cứu này là một sự thách thức đối với các nhà tâm lý học và khoa học xã hội, những người luôn khẳng định rằng nhận thức của con người khi mới sinh ra chỉ là ’trang giấy trắng’ và nhân cách của con người chỉ được định hình thông qua sự giáo dục của cha mẹ và môi trường sống xung quanh.
Ngay từ 6 tháng tuổi, trẻ đã có thể phân biệt được điều tốt và cái xấu? (Ảnh: Daily Mail)
Giáo sư Paul Bloom, một nhà tâm lý học tại trường đại học Yale và là thành viên nhóm nghiên cứu, nói: "Con người có thể hình thành nhân cách ngay từ khi mới được sinh ra. Những kết quả thí nghiệm của chúng tôi cho thấy trẻ em có thể suy nghĩ, cảm nhận và phân biệt những điều tốt và những cái xấu khi chưa đầy 1 tuổi". Nhóm nghiên cứu đã tiến hành 3 thí nghiệm khác nhau đối với những trẻ em từ 6 tháng đến 1 năm tuổi. Trong thí nghiệm thứ nhất, các nhà khoa học đã yêu cầu những trẻ em này xem một đoạn rối kịch với cảnh một con rối đang giúp một con rối khác vượt qua một ngọn đồi. Trong khi đó, một số con rối khác lại cố gắng ngăn cản các con rối này vượt qua ngọn đồi. Sau khi xem đoạn kịch này vài lần, những trẻ em tham gia thí nghiệm sẽ được xem các con rối tốt và xấu một cách độc lập. Kết quả cho thấy trẻ có xu hướng thích những con rối giúp đỡ con rối khác vì trẻ nhìn những con rối này trong thời gian lâu hơn so với những con rối ngăn cản con rối vượt qua ngọn đồi. "Thông qua thí nghiệm này, chúng tôi phát hiện thấy rằng trẻ em từ 6 tháng đến 10 tháng tuổi có xu hướng thích những người hay giúp đỡ người khác hơn so với những người không có đức tính này. Hay nói cách khác, trẻ có xu hướng thích những người tốt". Hai thử nghiệm khác với những đồ chơi con vật là chó và thỏ cũng cho thấy kết quả tương tự. Mặc dù vậy, một số nhà tâm lý học tỏ ra không hài lòng với kết luận của nghiên cứu này. Tiến sĩ Nadja Reissland, đại học Durham, nói: "Việc những trẻ em chú ý tới những con rối có hành động giúp con rối khác vượt qua quả đồi có thể là do trẻ có xu hướng thích nhìn những vật chuyển động có chiều hướng đi lên hơn. Vì thế, không thể khẳng định rằng trẻ có thể phân biệt được điều tốt và điều xấu".
Theo Hà Hương
VNN

Đọc thêm