Ngày 17-9-2001, Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tại thành phố Đà Nẵng, nhìn lại chặng đường 10 năm cải cách hành chính, nhiều nội dung, mô hình và giải pháp đã được lãnh đạo thành phố quan tâm, quyết tâm chỉ đạo đồng bộ và thường xuyên để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và chất lượng phục vụ nhân dân của bộ máy chính quyền thành phố.
|
||
Giải quyết thủ tục hồ sơ một cửa ở quận Thanh Khê. Ảnh: Loan Phương |
Trong những chuyển biến đó, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã nổi lên thành một trong những điểm sáng sau 10 năm cải cách hành chính Nhà nước tại thành phố Đà Nẵng.
Một cửa: Từ mô hình đến cơ chế
Đà Nẵng là địa phương sớm triển khai và đồng bộ cơ chế một cửa trước khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg quy định việc triển khai cơ chế này trên toàn quốc. Từ năm 2001, với Quyết định số 49/2001/QĐ-UB ngày 11-4-2001 phê duyệt Đề án cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” ở các cơ quan Nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng, mô hình một cửa (trước năm 2003) và cơ chế một cửa (cách gọi chính thức từ sau năm 2003) đã được thực hiện đồng bộ ở cả ba cấp từ thành phố, quận, huyện đến phường, xã thuộc thành phố Đà Nẵng.
Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, 100% quận, huyện; 100% phường, xã và các cơ quan thuộc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố đã triển khai cơ chế một cửa. Qua 10 năm, có thể nói cách thức tổ chức và chất lượng hoạt động ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nếu đặt vấn đề theo cách của Tổ Công tác Đề án 30 của Chính phủ về việc “lần đầu tiên” ở Việt Nam đã thống nhất 63 bộ thủ tục hành chính của các địa phương, thì từ những năm 2004, tại Đà Nẵng, thành phố đã thống nhất 56 bộ thủ tục hành chính tại 56 phường, xã.
Tức Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên thống nhất trên toàn thành phố về quy trình, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, mức thu phí, lệ phí liên quan đến tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 100% phường, xã (từ năm 2004) và 100% quận, huyện (từ năm 2006). Đây chính là mắt xích quan trọng trong tiến trình thống nhất để dễ quản lý, để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, nâng cao năng lực phục vụ nhân dân thành phố.
Một cửa liên thông: Liên thông để thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp
Một cửa nhưng vẫn còn nhiều khóa. Một cửa nhưng vẫn phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi để hoàn tất yêu cầu chính đáng của mình. Một cửa nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn tốn nhiều thời gian để thực hiện các giao dịch hành chính, kinh tế, xã hội. Chính từ thực tiễn và quyết tâm xóa bỏ những rào cản đó, Đà Nẵng một lần nữa đi trước cả nước khi vào năm 2006 là một trong những địa phương đầu tiên thí điểm cơ chế một cửa liên thông trên các lĩnh vực đất đai, lao động-thương binh và xã hội tại UBND phường, xã (sau này với Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg, cơ chế một cửa liên thông mới chính thức triển khai trên toàn quốc).
Liên thông tức là cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, từ trên xuống, từ dưới lên, ngang dọc để phục vụ nhân dân tốt nhất, với ít lần đi lại, quy trình, thủ tục đơn giản nhất và chi phí phát sinh tiết kiệm nhất. Một cửa liên thông là nâng tầm của cơ chế một cửa trong trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ kết quả thí điểm, năm 2007, thành phố đã triển khai thực hiện trên diện rộng tại 100% phường, xã, góp phần tạo thuận lợi và hỗ trợ cho đại đa số người dân lao động, người dân ở xa khu vực trung tâm hành chính. Bên cạnh đó, cơ chế này cũng đã thể hiện hiệu quả rõ nét trong quá trình giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế, khắc dấu và giải quyết thủ tục đầu tư nước ngoài (đây cũng là những nội dung Đà Nẵng lại tiên phong đi trước).
Đánh giá lại hiệu quả tác động về mặt kinh tế, chính trị, quản lý, điều hành và tác động xã hội, qua báo cáo của các cơ quan liên quan, thông qua cơ chế một cửa và một cửa liên thông, nhiều thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết đã được rà soát, sửa đổi, bãi bỏ theo hướng đơn giản hơn. Ý thức trách nhiệm được nâng cao đã tạo sự chuyển biến tích cực về tác phong, lề lối làm việc; thay đổi và củng cố được niềm tin của công dân, tổ chức.
Thời gian và các bước tiến hành giải quyết công việc được rút ngắn từ 1/3-1/2 so với trước, mang lại lợi ích tiết kiệm cho cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng và rút ngắn thời gian cho xã hội hàng triệu ngày làm việc trong quá trình thực hiện các giao dịch kinh tế, hành chính, dân sự liên quan đến nhiều lĩnh vực. Nếu như trước khi triển khai cơ chế một cửa liên thông, doanh nghiệp phải trải qua hơn 30 ngày với 6 lần giao dịch để hoàn thành thủ tục thành lập (trước năm 2007). Sau khi triển khai cơ chế một cửa liên thông giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế và Công an thành phố, quy trình thành lập doanh nghiệp đã rút gọn còn không quá 10 ngày chỉ với 2 lần giao dịch.
Tính trên tổng số hồ sơ từ 2007 đến nay, ước tính đã tiết kiệm cho doanh nghiệp ít nhất 64.000 lượt đi lại, đồng thời rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục đăng ký để sớm ổn định sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp hơn 320.000 ngày. Lĩnh vực hộ tịch chiếm phần lớn giao dịch hành chính thường gặp nhất tại phường, xã, nếu như năm 2001, người dân phải mất 5 – 7 ngày để thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kết hôn, khai sinh, xác nhận hộ tịch..., thì từ năm 2004, chỉ phải mất từ không quá 1 – 3 ngày để hoàn thành các nội dung trên. Với số lượng hồ sơ giải quyết trên địa bàn thành phố trong 10 năm khoảng 28.000 hồ sơ thì ước tính đã rút ngắn cho xã hội thời gian để tiến hành các giao dịch hành chính hơn 1.120.000 ngày, đồng thời cũng nâng cao hiệu quả tương ứng về thời gian làm việc của công chức. Đây chính là những minh chứng rõ nét cho hiệu quả cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính tại thành phố Đà Nẵng để phục vụ nhân dân.
Một cửa điện tử: Hướng đi tiếp
Đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, với quyết tâm nâng cao hơn nữa hiệu quả của cơ chế một cửa liên thông, thành phố đã và đang triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong cung ứng dịch vụ hành chính công và bước đi đầu tiên triển khai tại chính quyền cơ sở. Từ nỗ lực này, đến nay 100% phường, xã được cài đặt và sử dụng hệ thống quản lý hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông kết hợp với trang www.motcua.danang.gov.vn – hiển thị tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ; phục vụ tra cứu thủ tục hành chính và tình trạng giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân.
Tại quận Thanh Khê, thành phố đang triển khai thí điểm mô hình một cửa điện tử với các trang thiết bị hiện đại phục vụ công dân, tổ chức. Dự kiến sẽ nhân rộng và kết nối hệ thống một cửa điện tử này trong thời gian không xa tới đây. Với những cách làm mới này, người dân sẽ đỡ tốn thời gian đi lại và tiến độ giải quyết công việc nhanh chóng hơn, chất lượng hơn, đồng thời tạo ra cơ chế để giám sát hoạt động của cán bộ, công chức trong quá trình thi hành công vụ, góp phần tích cực vào việc hạn chế các hành vi tiêu cực có thể phát sinh.
Trần Trung Sơn (Sở Nội vụ)