Từ New York nhớ về phố núi...

Tết thứ hai xa nhà! Tháng hai, giữa học kỳ mùa xuân, là tháng lạnh nhất trong năm ở thành phố nhỏ và thanh bình Ithaca, New York. Nhưng nó không thấy lạnh. Không khí mùa xuân tràn ngập các trang báo trong nước những ngày này ít nhiều đã mang đến cho đứa sinh viên ở phương xa như nó chút tình tết ấm áp của quê nhà.

Tết thứ hai xa nhà! Tháng hai, giữa học kỳ mùa xuân, là tháng lạnh nhất trong năm ở thành phố nhỏ và thanh bình Ithaca, New York. Nhưng nó không thấy lạnh. Không khí mùa xuân tràn ngập các trang báo trong nước những ngày này ít nhiều đã mang đến cho đứa sinh viên ở phương xa như nó chút tình tết ấm áp của quê nhà.

Mai anh đào Đà Lạt - Ảnh minh họa internet
Mai anh đào Đà Lạt - Ảnh minh họa internet

Nó chưa bao giờ là học sinh giỏi văn, nhưng cái lạnh mùa đông, những con đường dốc quanh co và chút trống vắng chiều lang thang làm nó nhớ mùa đông và tết Đà Lạt da diết, và nó muốn  viết, viết về tết thân thương ngày ấy.

Tháng chạp, Đà Lạt cuối đông, là mùa thu hoạch hoa của nông dân phố núi. Tết nhà nó rất đặc biệt, mọi thứ chuẩn bị luôn bắt đầu sớm hơn lệ thường bởi tuần giáp tết là mùa bận rộn nhất trong năm. Với nó, tháng Chạp vui hơn cả tết tháng Giêng.

Đầu tháng Chạp, mẹ sắm sửa quần áo mới cho mấy chị em. Thích lắm vì mỗi năm chỉ có 2 dịp được xúng xính đồ mới, ngày khai giảng, và... tết. Mẹ tranh thủ ngày nắng phơi củ kiệu và các loại củ làm dưa món. Mẹ làm cả rượu dâu tây và rượu nếp than. Nó và em gái sau giờ học cũng lăng xăng theo mẹ, nói chuyện ríu rít, thấy tết như rất gần.

Đầu tháng Chạp, ba và em trai hì hụi tráng lại gốc sân xi măng, vào núi lượm củi chất sẵn đầu hè, rồi gieo hạt cải, hạt xà lách cạnh nhà làm rau tươi ngày tết.

Sau rằm tháng Chạp, mẹ vừa dọn nhà cửa vừa ngào mứt. Mẹ hay làm mứt gừng, mứt đậu trắng, mứt đậu đỏ, mứt dừa và cả mứt cà rốt. Làm nhanh nhất là mứt dừa, lâu nhất là mứt cà rốt, làm từ sáng sớm nhưng qua nửa đêm mứt mới khô.

Trời Đà Lạt lạnh nên nó và em gái rất thích ngồi canh mứt bên bếp than hồng, thích nhất là khi mứt khô mẹ sẽ gói cho mỗi đứa một gói nhỏ mứt vụn mang đi học, còn thành phẩm thì mẹ cất vào tủ đợi tết mới mang ra.

Các món truyền thống khác của nhà nó như thịt tai heo ngâm giấm, thịt ba chỉ ngâm nước mắm và dưa món mẹ nó cũng làm luôn dịp này.

Và khi mẹ bận chuyện nữ công gia chánh, thì ba một mình chăm sóc cây cối ngoài vườn, tối về ba cũng chỉ phải phụ trách lau dọn phòng thờ và chẻ lạt mà thôi.

Ngày 23 thì cả ba mẹ đều ở nhà, các cậu các dì cũng sang, mẹ ướp thịt, ngâm nếp và đậu xanh từ tối hôm trước, sáng hôm đó mẹ dậy sớm lắm, cùng các dì đãi nếp đãi đậu rồi ba và các cậu cùng ngồi gói bánh tét bánh chưng. Nó và các em lăng xăng, vừa xem vừa bày trò lấy bẹ lá chuối làm "súng liên thanh". Mẹ không thích mấy chị em nó chơi trò này vì sợ mủ chuối dính áo, nên thường thu hút chúng bằng cách gói cho mỗi đứa một cái bánh ú rồi đánh dấu khác nhau.

Tối về là lúc chị em nó thích nhất, vì hay lén mẹ lấy muối hột bỏ vào bếp củi, làm ngọn lửa bùng lên, kêu lách tách rất vui mắt vui tai, hào hứng chờ bánh ú ra lò.

Năm ngày liên tục cắt và bó hoa, ngày nào cả nhà cũng bắt đầu từ sớm tinh mơ và kết thúc rất muộn. Hoa nở rộ ngoài vườn, hoa ngập tràn trong nhà. Mệt, nhưng nó và các em rất háo hức phụ giúp, như các nhà làm vườn thực thụ vì mẹ luôn đùa sẽ lì xì tết nhiều hay ít căn cứ vào năng suất làm việc.

Và tết chính thức bắt đầu khi cả nhà nó quây quần bữa cơm tất niên trưa 30 sau những ngày lao động vất vả với giò hầm măng, thịt nướng chua và các món truyền thống khác của người Huế di cư. Chiều 30 mẹ nó lại nấu nấu nướng nướng để cúng giao thừa, luôn là bánh bột lọc và bánh nậm chay, chè hạt sen hay chè đậu ngự.

Theo ttt47@ (Ithaca, ngày 27-1-2011) (Tuổi trẻ online)

Đọc thêm