Tư nhân và động lực

(PLVN) - Báo cáo trước Quốc hội hôm khai mạc, ngày 20/5, lãnh đạo Chính phủ khẳng định: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế”. Đây là mục tiêu nhất quán đã được Nghị quyết Trung ương 10 năm 2017 của Bộ Chính trị xác định.
Hình minh họa

Để đi được vào nghị quyết của Đảng, kinh tế tư nhân (KTTN) đã trải qua một “hành trình đau đớn”. Tại Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng 8, Tổng Bí thư Đỗ Mười lúc đó phát biểu: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng rõ hơn”. Trong muôn sự “rõ” có nhận thức về KTTN.

Ngày hôm qua, 21/5, ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu từ nay đến hết năm 2019, kết thúc điều tra 28 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 24 vụ án, xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh 36 vụ việc. Trong đó, tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2019.

Phải nói là tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong khu vực kinh tế Nhà nước vốn được xác định “trụ cột” làm cho tất cả những ai quan tâm đến vận mệnh đất nước đau xót. Phá như thế, không nghèo mới lạ.

May mắn thay, khu vực KTTN ngày càng lớn mạnh. Theo báo cáo điều tra doanh nghiệp gần đây, hàng loạt các chỉ tiêu của khu vực DNTN (một phần của KTTN) trong nước đều vượt trội so với khu vực doanh nghiệp nhà nước về vốn, doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách nhà nước, về lao động,... Khu vực DNTN Việt Nam đã lớn mạnh vượt trội, tiêu biểu cho đổi mới sáng tạo, dù bị o ép, bị phân biệt đối xử ngay trên sân nhà.

Nếu các nhà quản lý, thiết kế chính sách, điều hành biết “nhìn” vào số liệu, đóng góp trên các mặt của KTTN thì có lẽ vai trò của khu vực DNTN đã khác hơn rất nhiều hiện nay. Nhiều thương hiệu khu vực KTTN đã và đang vươn  ra toàn cầu, đại diện cho thương hiệu quốc gia thời kỳ 4.0.

Nếu một thể chế với hành lang pháp lý đầy đủ, bộ máy hiệu lực, hiệu quả trong kiểm tra, giám sát, kiểm soát được “mối đe doạ lớn nhất” đối với sự phát triển của các DNTN trong nước là các “doanh nghiệp sân sau” đã và đang móc ngoặc, thông đồng với các cán bộ quản lý để trục lợi trên nền tảng của công thì bộ mặt DNTN hoàn toàn khác. Yếu kém của quản lý, của công vụ nhiều khi làm cho KTTN bị “thắt” một cách oan ức.

Tại Hội nghị Trung ương 10 vừa bế mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đừng có kỳ thị với KTTN, phải công bằng. "Tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho DNTN. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải Nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát”. Đó là sự công bằng cần thiết để KTTN ngày càng trở thành động lực. 

Đọc thêm