Tư pháp An Giang đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững

(PLO) - Nếu doanh nghiệp là một ngôi nhà thì pháp luật chính là nền móng của ngôi nhà đó. Ý thức được tầm quan trọng của pháp luật, Sở Tư pháp An Giang đã không ngừng nỗ lực tạo “nền móng” góp phần giúp các doanh nghiệp ở địa phương phát triển bền vững.
Các hoạt động hỗ trợ pháp lý tạo được sự chuyển biến về nhận thức pháp lý và ý thức tìm hiểu pháp luật của doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể chủ động phòng, chống rủi ro pháp lý cho mình.
Các hoạt động hỗ trợ pháp lý tạo được sự chuyển biến về nhận thức pháp lý và ý thức tìm hiểu pháp luật của doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể chủ động phòng, chống rủi ro pháp lý cho mình.

Ai cũng hiểu vai trò và tầm quan trọng của pháp luật, tuy nhiên không phải ai cũng đặt pháp luật đúng vị trí của nó. Pháp luật là nền tảng quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động mà không nắm bắt được quy định của pháp luật liên quan đến ngành, nghề đang sản xuất, kinh doanh, đồng thời không tiếp cận và tận dụng được các chính sách hỗ trợ, ưu đãi mà hệ thống pháp luật hiện hành quy định thì chẳng khác nào tự loại mình ra khỏi “trò chơi thương mại”.

Trị “bệnh thờ ơ” pháp lý cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đa phần có quy mô nhỏ và vừa, nhiều chủ doanh nghiệp khởi nghiệp và đi lên từ mô hình sản xuất, kinh doanh gia đình nên hiểu biết về pháp lý còn hạn chế. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp phát triển thành quy mô lớn, thị trường vươn xa hơn thì rất dễ xảy ra tranh chấp, rủi ro pháp lý.

Đã vậy, nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận  mà “thờ ơ” lĩnh vực pháp lý nên đa số doanh nghiệp chưa có nhân viên pháp chế. Số ít doanh nghiệp có nhân viên pháp chế nhưng cũng chỉ làm “nửa vời”, chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, chuyên môn.

Thấu hiểu khó khăn này, với vai trò quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương, Sở Tư pháp An Giang đã chủ trì, phối hợp thực hiện nhiều chương trình cụ thể, thiết thực để tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao năng lực cho cán bộ pháp chế ở các doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, các chương trình của Sở đều hướng đến tính thực tế, ứng dụng tránh những trường hợp lý thuyết lan man, khó hiểu.

Để hoạt động trên phổ quát đến tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở đã thực hiện chương trình phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang về hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp giai đoạn 2017 – 2020.

Sở đã thường xuyên cập nhật những quy định mới của pháp luật, văn bản hành chính, chỉ đạo, điều hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và khai thác phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật phù hợp với tình hình thực tế của từng doanh nghiệp.

Lựa chọn và giới thiệu các văn bản pháp luật có nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp như: Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ... để người quản lý doanh nghiệp nhận thức, nâng cao hiểu biết về pháp luật, từng bước đưa pháp luật trở thành một trong những công cụ pháp lý quan trọng để doanh nghiệp áp dụng trong thực tế, đảm bảo hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao.

“Gỡ rối” pháp lý để doanh nghiệp tự bảo vệ mình

Để “gỡ rối” cho doanh nghiệp, Sở đã thực hiện đa dạng các cách thức tư vấn, hỗ trợ pháp lý. Giải đáp qua điện thoại, qua văn bản hoặc gặp trực tiếp để giải quyết những nội dung liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, lao động, đầu tư, thủ tục hành chính... Đối với những trường hợp doanh nghiệp gặp vấn đề pháp lý phức tạp, liên quan đến nhiều doanh nghiệp, sẽ tổ chức giải đáp bằng văn bản gửi các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức giải đáp tại buổi làm việc hoặc thông qua điện thoại.

Ngoài ra, ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang cho biết, nhằm giúp doanh nghiệp phòng ngừa, tránh được những rủi ro trong quá trình giao kết với đối tác hoặc tự bảo vệ quyền lợi của mình khi phát sinh tranh chấp, vừa qua Sở đã tổ chức “Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp”.

Qua đó cung cấp cho doanh nghiệp những kiến thức pháp luật liên quan đến giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại. Để các cán bộ pháp chế hiểu rõ về phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh thương mại, thương lượng hòa giải giữa các bên.

“Tại Hội nghị báo cáo viên cũng dẫn lại một số tình huống pháp lý và hướng giải quyết trong thực tiễn xét xử của Tòa án: Vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng B và Công ty Q; vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ giữa Công ty V và Công ty V để làm ví dụ cụ thể, giúp cán bộ pháp chế các doanh nghiệp dễ hiểu, dễ tiếp thu. Bên cạnh đó, Hội nghị và báo cáo viên còn lắng nghe và giải quyết những khó khăn, vướng mắc thực tiễn mà doanh nghiệp đang vướng phải”, ông Sơn chia sẻ.

Từ sự tận tâm đó, đã tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức pháp lý và ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Qua đó chủ động phòng, chống rủi ro pháp lý, giúp các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đọc thêm