[links()]Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND, Sở Tư pháp 2 tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng ngày 12/9. Nội dung buổi làm việc xoay quanh các vấn đề còn vướng mắc trên cả 2 lĩnh vực công tác Tư pháp và Thi hành án dân sự (THADS) nhằm tìm được tiếng nói chung giữa Tư pháp địa phương, chính quyền sở tại và Bộ Tư pháp…
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại buổi làm việc với Lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND TP.Đà Nẵng ngày 12/9 |
Quảng Nam: Chính quyền nhất trí tạo điều kiện đất đai
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Tư pháp Quảng Nam cho biết, thời gian qua Tư pháp Quảng Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp Thường trực HĐND, UBND tỉnh lấy ý kiến góp ý của cán bộ và nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; duy trì tiến độ và chất lượng công tác xây dựng, thẩm định và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện với phương thức “Nhà nước đặt hàng”. Công tác hộ tịch, công chứng, chứng thực, bán đấu giá, tài trợ pháp lý được chú trọng… Cục THADS Quảng Nam cũng báo cáo kết quả với những mặt được và không được trong công tác THADS năm 2013 tại địa phương.
Ghi nhận sự nỗ lực của Sở Tư pháp Quảng Nam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chân tình chia sẻ, đã 4 năm qua sau lần Bộ trưởng về thăm, làm việc tại đây (năm 2009), đến nay, ngành Tư pháp Quảng Nam đã đạt nhiều kết quả khả quan, ổn định công tác cán bộ… Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tôi rất phấn khởi trước sự khởi sắc của tỉnh nhà trên nhiều mặt. Đặc biệt, ngành Tư pháp đã bắt đầu “chuyển mình” đi vào chiều sâu công việc trên cả 2 phương diện tư pháp và THADS. Thời điểm hiện tại, tuy còn nhiều khó khăn như: áp lực đảm trách nhiều việc một lúc, biên chế con người ít, kinh phí hạn hẹp… nhưng tôi thực sự cảm thấy yên tâm trước những thành quả tốt đẹp mà ngành Tư pháp Quảng Nam mang lại…”.
Tuy nhiên, trước phản ánh của đại diện các phòng, ban chuyên môn ngành Tư pháp địa phương về những vướng mắc trong công tác THADS; giám định tư pháp, bổ trợ tư pháp; một số vướng mắc trong thực hiện các nghị định, biểu mẫu cũ để xử lý vấn đề đất rừng, tài nguyên khoáng sản; công tác phổ biến giáo dục pháp luật,… Bộ trưởng ghi nhận và cho biết sẽ có hướng xử lý.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tư pháp Quảng Nam khẩn trương đẩy mạnh chất lượng công việc. Đặc biệt, ngành Tư pháp phải chú trọng chất lượng của đội ngũ cán bộ tư pháp. Có như vậy mới có thể làm tốt công tác tham mưu cho UBND, HĐND thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị tại cơ sở.
Trước đề nghị của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh luôn quan tâm và sẽ tạo điều kiện cho công tác tư pháp nói chung và THADS nói riêng. UBND ghi nhận ngành tư pháp đã giúp rất nhiều cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Ông Thanh cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tất cả các VBQPPL trước khi được UBND, HĐND tỉnh ban hành đều qua Sở Tư pháp thẩm định, thậm chí, nhiều văn bản không phải là VBQPPL cũng được gửi sang Sở Tư pháp thẩm định trước khi ban hành. Riêng đối với việc xây trụ sở cơ quan THADS ở địa phương, tỉnh sẽ tạo điều kiện về đất đai cho ngành Tư pháp. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng nhất trí sẽ quan tâm hơn nữa tới đội ngũ luật sư trên địa bàn, giúp đỡ Đoàn Luật sư ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Đà Nẵng: Tìm cách tháo gỡ những bản án nhiều năm chưa thi hành
Cũng như Quảng Nam, công tác tư pháp 2013 tại TP.Đà Nẵng đã thu được nhiều kết quả trên các lĩnh vực: Hoàn thành tốt việc lấy ý kiến nhân dân, cán bộ đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai sửa đổi năm 2003; việc đẩy mạnh xã hội hoá đã phục vụ đắc lực hơn cho các nhiệm vụ cải cách tư pháp, cải cách hành chính, nhiều văn phòng, công chứng ra đời từng bước ổn định hoạt động. Đặc biệt, việc thành lập Hội Công chứng thành phố được Bộ Tư pháp đánh giá là mô mình sáng tạo…
Bên cạnh đó, những khó khăn mà ngành Tư pháp Đà Nẵng gặp phải cũng không nằm ngoài khó khăn chung của các cơ quan Tư pháp địa phương. Tư pháp các cấp tại Đà Nẵng cũng đang còn thiếu cán bộ khi mà nhiệm vụ ngày càng nặng nề.
|
Bộ trưởng Hà Hùng Cường chúc mừng đồng chí Trần Thọ vừa được bầu làm Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng. |
Giải đáp ngay kiến nghị của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường gợi ý, trong khi Nhà nước đang chú trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lĩnh vực tư pháp lại liên quan trực tiếp đời sống của người dân và môi trường đầu tư kinh doanh, vì vậy, thành phố cũng nên có sự thay đổi, chú trọng tăng biên chế cho ngành Tư pháp. Tuy nhiên, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh ngành Tư pháp Đà Nẵng phải giao việc đúng người, dù thiếu cán bộ cũng không được giao quyền cho những người không đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ.
Một điều đáng chú ý, Đà Nẵng vẫn còn lúng túng trong xử lý vi phạm hành chính và công tác theo dõi thi hành pháp luật. Hàng loạt bản án qua nhiều phiên xét xử vẫn chưa thể thi hành. Đến nay, câu chuyện “cưỡng chế nhà” vẫn đang là “bài toán” nan giải trong ngành Tư pháp Đà Nẵng. Trong khi đó, kiến nghị của Đà Nẵng nêu, thực tế một số nghị định Chính phủ ban hành như Nghị định 81/2013 NĐ-CP, Thông tư số 01/2011/TT-BNV còn nhiều điểm bất cập, một số nội dung chưa quy định cụ thể… khiến cho quá trình triển khai thực hiện, mỗi địa phương áp dụng một kiểu. Về các vấn đề này, Bộ trưởng ghi nhận và yêu cầu địa phương chờ Chính phủ có hướng dẫn cụ thể.
Trao đổi với Bộ trưởng Hà Hùng Cường về công tác tư pháp trên địa bàn TP. Đà Nẵng, đại diện chính quyền Đà Nẵng, Bí thư Thành uỷ Trần Thọ cho biết, để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển của một thành phố lớn như Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong việc ban hành và áp dụng các VBQPPL.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đều đồng tình với các đánh giá, ghi nhận Tư pháp Đà Nẵng là một trong những đơn vị mạnh của ngành Tư pháp cả nước. Trong các lĩnh vực công tác được giao, ngành Tư pháp Đà Nẵng đều đạt nhiều kết quả rất khả quan. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị lãnh đạo TP.Đà Nẵng hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành Tư pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành và song song góp phần đang kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vân Anh