Tư pháp Nam Trà My 10 năm gắn bó với cơ sở

Phòng Tư pháp huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vừa tổng kết 10 năm công tác tư pháp (01/8/2003-01/8/2013). 10 năm qua, thông qua việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, Tư pháp Nam Trà My đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, cùng các ban, ngành từng bước xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Phòng Tư pháp huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vừa tổng kết 10 năm công tác tư pháp (01/8/2003-01/8/2013). 10 năm qua, thông qua việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, Tư pháp Nam Trà My đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, cùng các ban, ngành từng bước xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Thực hiện Nghị quyết số 30a/CP, Nghị quyết số 80/CP, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) đã đem lại nhiều niềm vui cho những người dân nghèo

Làm tốt công việc chuyên môn

Tính từ ngày 1/8/2003 đến ngày 15/5/2013, HĐND và UBND huyện đã ban hành 162 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Phòng Tư pháp đã thẩm định 144 văn bản QPPL, trong đó có 79 quyết định, 35 chỉ thị của UBND huyện và 48 nghị quyết của HĐND huyện. Qua tự kiểm tra, rà soát, các văn bản QPPL của HĐND và UBND huyện ban hành đều đúng căn cứ, đúng thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, có tính khả thi cao và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. 

Trong công tác hộ tịch, hòa giải cơ sở, Tư pháp đã đăng ký khai sinh cho 11.859 trường hợp, đăng ký khai tử cho 952 trường hợp, đăng ký kết hôn cho 2.775 cặp. Trên địa bàn huyện hiện đã thành lập được 43 tổ hoà giải ở 43 thôn, 205 nóc. Có 167 hòa giải viên được triển khai Pháp lệnh Hòa giải ở cơ sở, lồng ghép công tác trợ giúp pháp lý (TGPL), thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135 giai đoạn II.

Cùng chung tay xóa đói giảm nghèo

Thực hiện Nghị quyết số 30a/CP, Nghị quyết số 80/CP, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) đã đem lại nhiều niềm vui cho những người dân nghèo, từng bước cải thiện đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các văn bản pháp luật như Luật Hôn nhân và Gia đình, các Nghị định  của Chính phủ về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; công tác chứng thực; công tác hòa giải ở cơ sở; trợ giúp pháp lý…. và nhiều nội dung khác liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân thường xuyên được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng đến từng thôn, nóc trên địa bàn huyện.

Để thực hiện có hiệu quả công tác TGPL, tạo thuận lợi cho nhân dân tại địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Trung tâm TGPL tỉnh, UBND các xã kiện toàn đội ngũ cộng tác viên TGPL; thành lập 10 câu lạc bộ TGPL ở các xã, thường xuyên tổ chức tọa đàm chuyên đề về pháp luật, giải đáp thắc mắc theo đề xuất kiến nghị của nhân dân; đồng thời lồng ghép công tác TGPL cho các đối tượng trong các đợt sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, các lễ hội truyền thống khác của đồng bào các dân tộc. Từ năm 2003 đến nay, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với Trung tâm TGPL tỉnh tổ chức TGPL lưu động, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ TGPL các xã được 614 đợt về các chế độ chính sách, lĩnh vực hôn nhân gia đình, hộ tịch, hộ khẩu, đất đai và các lĩnh vực khác khi công dân có yêu cầu.

Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền pháp luật, mặc dù là một huyện miền núi thuộc vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn, song trước và sau khi có Chỉ thị 32, huyện Nam Trà My đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi, hội thi, hội diễn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, những kinh nghiệm trong thực tiễn cuộc sống về chấp hành pháp luật, giáo dục pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân.

Tin rằng, trong thời gian tới, công tác tư pháp Nam Trà My tiếp tục được khẳng định, các nội dung liên quan đến quyền lợi thiết thực đến người dân đều được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Nghị quyết HĐND huyện Khóa IX, từng bước thay đổi diện mạo mới của một huyện miền núi.   

Thành Lê

Đọc thêm