Bà Nguyễn Thị Lài, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình cho biết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính và lãnh đạo các Sở, ngành chức năng của địa phương vừa có buổi làm việc với Sở Tư pháp để đánh giá về những mặt đã làm được, những khó khăn cần tháo gỡ đối với Tư pháp Quảng Bình.
Bí thư Lương Ngọc Bính tại buổi làm việc với Sở Tư pháp. |
Trong 6 tháng đầu năm 2013, bên cạnh việc chủ trì soạn thảo 01 Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Sở đã tiến hành thẩm định, góp ý 58/58 văn bản QPPL do các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương soạn thảo, đạt 100%.
Ngoài ra, cơ quan tư pháp đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo cùng cấp tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Tư pháp Quảng Bình.
Trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, các cơ quan Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 797/797 văn bản QPPL (Sở Tư pháp 44 văn bản, Phòng Tư pháp các huyện thành phố 753 văn bản); tự kiểm tra 71/71 văn bản QPPL (Sở Tư pháp 15 văn bản, Phòng Tư pháp các huyện thành phố 56 văn bản).
Các lĩnh vực công tác khác như: công tác pháp chế, theo dõi thi hành pháp luật và quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý; công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; quản lý nhà nước về Hành chính tư pháp ; quản lý nhà nước về Bổ trợ tư pháp... đều có những bước tiến rõ rệt.
Nhìn nhận về những kết quả đã đạt được trong những tháng đầu năm, Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Bình cho biết: Tư pháp Quảng Bình có thuận lợi là được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Tư pháp, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện từ việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đến việc bổ sung thêm biên chế, cấp kinh phí, động viên khen thưởng.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, ngành Tư pháp đã nhận được đồng tình ủng hộ và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành có liên quan và của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật quy định cơ cấu tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ của ngành ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. Đội ngũ công chức, viên chức trong toàn ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức và lối sống lành mạnh, đoàn kết thống nhất, yêu nghề; có trình độ năng lực thực tiễn; thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ.
Tuy nhiên, khó khăn vướng, mắc hiện nay là một số lĩnh vực thực hiện chủ trương xã hội hóa - chuyên nghiệp hóa (như công chứng, đấu giá, giám định) vẫn chưa được một bộ phận cán bộ và nhân dân địa phương thực sự đồng tình, ủng hộ, sự đồng thuận chưa cao. Thêm vào đó, một số thể chế và quy định của văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương ban hành chưa phù hợp với thực tế, còn thiếu tính khả thi (chưa dự liệu đầy đủ các nguồn lực để triển khai thực hiện), còn chồng chéo.
Vì vậy, có nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng; khó đáp ứng được yêu cầu vừa phải đảm bảo sự tuân thủ đúng pháp luật vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Việc tham mưu xây dựng và thực thi pháp luật của ngành đôi khi còn nặng về pháp lý đơn thuần.
Giám đốc Nguyễn Thị Lài cũng trăn trở về sự phối hợp của một số Sở, ban, ngành đôi lúc còn chưa chặt chẽ, nhất là trong công tác thẩm định, góp ý văn bản QPPL, việc gửi hồ sơ yêu cầu cơ quan Tư pháp thẩm định văn bản chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định; một số dự thảo văn bản của Trung ương đề nghị địa phương góp ý thời gian quá ngắn nên khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
"Những khó khăn, vướng mắc này đã được Sở phản ánh với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lương Ngọc Bính tại buổi làm việc giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đại diện các Sở, ban, ngành của Tỉnh với Sở Tư pháp. Sở cũng kiến nghị cụ thể các hướng tháo gỡ khó khăn để các cấp, các ngành của địa phương chung tay gỡ khó cùng ngành Tư pháp" - bà Nguyễn Thị Lài cho biết.
Được biết, tại buổi làm việc này, Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính đã đánh giá cao những nỗ lực mà Tư pháp Quảng Bình đã đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Bí thư tỉnh ủy Lương Ngọc Bính cũng chỉ đạo các Sở, ngành chức năng của tỉnh cùng vào cuộc để gỡ khó cho Sở Tư pháp về kinh phí hoạt động, tổ chức cán bộ... để ngành Tư pháp địa phương có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Hồng Thúy