Bàn về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

(PLVN) -Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự của Việt Nam, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong tư duy lập pháp hình sự của nước ta. 
Bàn về quy định  trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015 xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách trong thực tiễn. 

Tuy nhiên, kể từ khi BLHS năm 2015 được ban hành, cho đến nay vẫn chưa có pháp nhân thương mại nào bị đưa ra xét xử tại tòa án. Với tình trạng pháp nhân vi phạm pháp luật như hiện nay cho thấy, quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015 chưa thật sự hoàn thiện, còn tồn tại nhiều vướng mắc dẫn đến thực tế chưa thể xử lý hình sự được vi phạm của pháp nhân thương mại. 

BLHS năm 2015 không có sự thống nhất khi quy định về bản chất của trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Khoản 1 Điều 8 BLHS quy định về khái niệm tội phạm như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội... do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm...”; với sự giải thích khái niệm tội phạm như vậy, có thể hiểu chủ thể của tội phạm ngoài cá nhân còn có pháp nhân thương mại. Quy định này lại mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 75 - điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đó là quy định “hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại”; có thể hiểu pháp nhân thương mại không phải là chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội mà vẫn do cá nhân nhân danh pháp nhân thương mại trực tiếp thực hiện; hay nói cách khác, chủ thể của tội phạm vẫn là cá nhân. Như vậy, BLHS năm 2015 vẫn có sự mâu thuẫn về nội dung giữa khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 75. 

Trên cơ sở lý luận về bản chất của trách nhiệm hình sự của pháp nhân như tác giả đã phân tích ở trên, BLHS năm 2015 nên sửa đổi theo hướng quy định thống nhất: chỉ có duy nhất một chủ thể của tội phạm – đó là cá nhân và hai chủ thể của trách nhiệm hình sự là cá nhân và pháp nhân thương mại. Điều này có nghĩa quy định về tội phạm tại Điều 8 cần sửa đổi lại theo hướng chỉ có cá nhân mới là chủ thể của tội phạm. Có như vậy, mới phù hợp với quy định tại Điều 75 và phù hợp với quy định về tội phạm cụ thể mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong số 33 tội mà pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, có 22/47 tội thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, ví dụ như: tội buôn lậu, tội trốn thuế, tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản...; có 9/12 tội thuộc nhóm các tội phạm về môi trường, ví dụ như: tội gây ô nhiễm môi trường, tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, tội hủy hoại rừng...; chỉ có 2/68 tội thuộc nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, đó là các tội: tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền. 

Bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân chỉ là việc bổ sung các quy định về chủ thể thứ hai phải chịu trách nhiệm hình sự, bên cạnh quy định về trách nhiệm hình sự của chủ thể thứ nhất - cá nhân về cùng một hành vi phạm tội do cá nhân này thực hiện. Tuy nhiên, nghiên cứu 33 điều luật trong BLHS có quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, chỉ có 26 điều luật có cách quy định phù hợp với bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân; trong khi đó, tồn tại những 07 điều luật có cách quy định trái với bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân – quy định hai hành vi phạm tội riêng biệt cho hai chủ thể chịu trách nhiệm hình sự (cá nhân và pháp nhân thương mại) đối với cùng một tội phạm. 

Việc quy định như trên không những tạo ra sự không bình đẳng giữa hai chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn trái với bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Vì vậy, để có sự nhất quán trong quy định của các điều luật của Phần các tội phạm về các tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, BLHS năm 2015 nên sửa đổi theo hướng không bổ sung dấu hiệu định tội áp dụng riêng biệt cho pháp nhân thương mại như 07 tội nói trên mà chỉ nên quy định theo như cách quy định của 26 điều luật còn lại. Đó là: “Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này thì bị phạt...Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều này thì bị phạt...” 

Đọc thêm