Bộ trưởng Tư pháp báo cáo Quốc hội 4 trọng tâm sau chất vấn

(PLO) -  Thực hiện  các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vừa có Công văn số 122/BC-BTP, báo cáo kết quả công tác ngành Tư pháp từ sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đến hết Quý I/2015. Công văn cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp trong thời gian tới.

Theo Công văn báo cáo QH,  Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trong thời gian tới, ngành Tư pháp sẽ thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm sau đây: 

1. Tập trung nguồn lực và các điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp đúng tiến độ. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc xây dựng, thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp.
Phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các dự án luật, pháp lệnh theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp; những vấn đề còn nhận thức khác nhau lớn về nội dung của Hiến pháp thì kịp thời báo cáo UBTVQH xem xét, giải thích.
2. Theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh các dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Luật Ban hành VBQPPL (hợp nhất); tiếp tục xây dựng các dự án Luật Ban hành quyết định hành chính, luật Tiếp cận thông tin, Luật Phá sản và Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp. 
3. Kịp thời xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành VBQPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc thẩm quyền. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ kịp thời báo cáo Chính phủ để chỉ đạo thực hiện. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định VBQPPL và nâng cao chất lượng công tác kiểm soát TTHC.
4. Tăng cường và siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ trong toàn hệ thống các cơ quan THADS, tiếp tục quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị về phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong THADS; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong THADS; tập trung xử lý đối với những địa phương còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém trong công tác tổ chức cán bộ.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời, thực hiện nghiêm 5 Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.
Duy trì và phát huy tốt hơn nữa công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác THADS. 
Cùng với những thông tin khách quan, trung thực báo cáo ĐBQH về tình hình thực hiện và kết quả của công tác Tư pháp trong thời gian giữa hai kỳ họp QH, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị với Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội  xem xét thông qua dự án Luật Ban hành VBQPPL (hợp nhất) để tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho công tác ban hành VBQPPL, tăng cường tính chuyên nghiệp trong công tác này; cho ý kiến để hoàn thiện các dự án luật quan trọng do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, trình tại kỳ họp này: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi); quan tâm, tham gia ngay từ khâu dự thảo các dự án luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo như: Luật Ban hành quyết định hành chính, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Đấu giá tài sản…
Bộ Tư pháp cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các vị Đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát theo thẩm quyền đối với các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là các vấn đề đã được Bộ Tư pháp, Chính phủ báo cáo trước Quốc hội như: công tác triển khai thi hành Hiến pháp; công tác lập và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; công tác ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; thi hành án dân sự…
Đặc biệt, tăng cường giám sát các Bộ, ngành có số lượng nợ đọng lớn về văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh.

Đọc thêm