Bộ Tư pháp giải đáp nhiều vấn đề 'nóng'

(PLO) - Hôm qua (20/7), Bộ Tư pháp tổ chức họp báo định kỳ để thông tin về công tác tư pháp quý II/2017. Người phát ngôn Bộ Tư pháp, Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển chủ trì buổi họp báo cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị liên quan thuộc Bộ để trả lời hàng loạt vấn đề mà dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Bộ Tư pháp giải đáp nhiều vấn đề 'nóng'

“Phạt” sinh con thứ 3 là không đúng luật

Điểm lại một số kết quả công tác chủ yếu 6 tháng đầu năm 2017 và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác quý III/2017, Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển cũng giới thiệu những nội dung cơ bản trong các văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo như Nghị định số 62/2017/NĐ-CP, Thông tư số 06/2017/TT-BTP, Nghị quyết số 58/NQ-CP, Quyết định số 619/QĐ-TTg…

Trực tiếp trả lời một số vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, ông Hiển cho biết: Đối với việc người dân ở một số địa phương phải “nộp phạt” hoặc “tự nguyện đóng góp” một khoản tiền khi đăng ký khai sinh cho con thứ ba trở lên, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiểm tra, xác minh tại một số địa phương được phản ánh. Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy, sự việc báo chí phản ánh là có thực, các địa phương cho biết đây là một trong những biện pháp được một số địa phương áp dụng nhằm hạn chế tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. 

Tuy nhiên, việc yêu cầu người dân phải “nộp phạt” hoặc “tự nguyện đóng góp” một khoản tiền mới được đăng ký khai sinh đối với trường hợp sinh con thứ ba trở lên là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành (Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em, Luật Hộ tịch và Luật Xử lý vi phạm hành chính).  

Để khắc phục tình trạng này, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đã có Công văn số 422/HTQTCT-HT gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có yêu cầu rà soát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và của địa phương về đăng ký hộ tịch nói chung và đăng ký khai sinh nói riêng, nếu phát hiện có sai phạm đề nghị chấn chỉnh kịp thời. Trường hợp địa phương ban hành văn bản dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thu tiền của người dân liên quan đến việc đăng ký khai sinh do sinh con thứ ba trở lên, thì đề xuất bãi bỏ...

Về việc xử phạt người điều khiển phương tiện ô tô tham gia giao thông không mang bản chính Giấy đăng ký xe, theo ông Hiển, qua công tác theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và một số đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu của thực tiễn, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Cần kịp thời hoàn thiện pháp luật về bí mật đời tư

Cũng tại buổi họp báo, nhiều vấn đề khác đã được báo chí quan tâm đặt câu hỏi tới đại diện các đơn vị thuộc Bộ. Trả lời về việc có xem xét bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đối với ông Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink khi đã có văn bản hướng dẫn về thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo của Bộ Nội vụ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà cho biết: Tại thời điểm ông Vinh thi trúng tuyển chức danh này, do có những cách hiểu khác nhau về nội dung, tinh thần của dự thảo Đề án về thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp phòng, cấp sở của Ban Cán sự Đảng Chính phủ được giao cho Bộ Nội vụ hoàn thiện nên Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã họp và quyết định tạm dừng việc bổ nhiệm, chờ đến khi Đề án của Ban Cán sự Đảng Chính phủ ban hành sẽ tiếp tục xem xét. 

Mới đây, Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn thí điểm đổi mới công tác tuyển chọn, trong đó hướng dẫn rất cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cũng như xác định 14 bộ, ngành, 22 địa phương được thí điểm (có Bộ Tư pháp). Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất việc tiếp tục thực hiện thí điểm đổi mới việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng; đồng thời đề xuất giải quyết những vấn đề liên quan đến việc thi tuyển Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội trong thời gian sớm nhất. “Kết quả giải quyết này sẽ được thông báo cho ông Lê Đình Vinh, thông tin cho các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân liên quan trong quý III tới” – bà Hà cam kết.

Về vấn đề liên quan giữa bảo vệ bí mật đời tư với công khai điểm thi của thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Hồng Hải quan niệm, Bộ luật Dân sự năm 2015 tuy có quy định nguyên tắc về bảo vệ bí mật đời sống riêng tư nhưng thế nào là đời sống riêng tư thì Bộ luật không quy định mà việc quy định cụ thể sẽ do các luật chuyên ngành hướng dẫn.

Đối với công bố điểm thi, theo Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định hướng dẫn Luật, với học sinh dưới 16 tuổi thì thông tin về kết quả học tập là thông tin đời sống riêng tư và thông tin này được bảo vệ theo nguyên tắc thông tin cá nhân. Học sinh từ 16 tuổi trở lên thì hiện không có quy định cụ thể nào nói đây là thông tin đời sống riêng tư cần bảo vệ. Việc công khai điểm thi của học sinh từ 16 – 18 tuổi có bị cấm hay không thì phải có điều luật quy định cụ thể. 

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm quốc tế, ông Hải nhận thấy các nước thường xây dựng 1 trang web điện tử trực tuyến, những cá nhân cần biết điểm sẽ tra bằng số báo danh, số ID của mình. “Để hạn chế những rủi ro không cần thiết đối với lợi ích nhân thân, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kịp thời nghiên cứu hoàn thiện vấn đề này” – ông Hải khuyến nghị.

Đọc thêm