Bộ Tư pháp: Làm tốt vai trò “gác cổng” về thể chế

(PLVN) -Trong năm 2019, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đạt nhiều kết quả tích cực, bảo đảm tốt hơn các các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý VBQPPL được nâng lên rõ rệt.. .

Nâng cao chất lượng công tác thẩm định

Theo đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tập trung hoàn thiện, tham mưu Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV các tài liệu được phân công chuẩn bị. Hiện, Bộ Tư pháp đang tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã tham mưu với Chính phủ triển khai các hoạt động tổng kết: Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/12/2009 về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo vai trò “gác cổng” về thể chế. Từ ngày 01/01/2019 đến ngày 04/12/2019, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 251 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 25 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, trong đó có một số dự án luật quan trọng như: Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Luật Đê điều năm 2016…

Thực hiện công tác theo dõi tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, hàng tháng, Bộ Tư pháp đã tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc hoặc tổ chức làm việc với các Bộ, ngành nợ đọng nhiều; có báo cáo Chính phủ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết trình Chính phủ tại các Phiên họp thường kỳ. Nhờ đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm mạnh so với trước. 100% VBQPPL được lấy ý kiến rộng rãi

Thông qua công tác tự kiểm tra, rà soát, đánh giá thường xuyên, Bộ Tư pháp thấy rằng các văn bản QPPL do Bộ ban hành trong năm 2019 đã tuân thủ đúng quy trình xây dựng văn bản QPPL. Theo đó, 100% các văn bản quy QPPL đều được lấy ý kiến rộng rãi, nhất là ý kiến của các cá nhân, tổ chức có liên quan; đối với các văn bản QPPL có thủ tục hành chính đều được lấy ý kiến của đơn vị chuyên môn; 100% các văn bản QPPL đều được thẩm định đúng quy trình trước khi ban hành, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi của văn bản.

Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.214 văn bản, trong đó đã chú trọng kiểm tra những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp và những văn bản liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh; phát hiện và kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 150 văn bản. Đến nay, có 68/150 văn bản đã được xử lý (chiếm 45.3%).

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã thành lập các Đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại 10 địa phương và đang triển khai Kế hoạch kiểm tra văn bản theo chuyên đề Giáo dục và đào tạo đối với các văn bản QPPL của các bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định công bố Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp năm 2018; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản bãi bỏ toàn bộ 48 văn bản và bãi bỏ một phần 02 văn bản QPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành . Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ. 

Trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ thông qua kết quả pháp điển 26 đề mục (đợt 4); chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện pháp điển và thẩm định xong 31 đề mục; cập nhật QPPL mới ban hành vào 23 đề mục đã được pháp điển; tổ chức các hội nghị giới thiệu, hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển. 

Kiểm soát chặt việc quy định thủ tục hành chính ngay từ khâu soạn thảo

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Bộ trong việc tham mưu giúp Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xác định thứ tự ưu tiên các dự án để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Duy trì và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật. 

Tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới (trên cơ sở tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị). Tích cực tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Tiếp tục xây dựng, nghiên cứu xây dựng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Triển khai thi hành hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sau khi được Quốc hội thông qua.

Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính ngay từ khâu soạn thảo đảm bảo tính cần thiết, hợp lý, hợp pháp của thủ tục hành chính, đảm bảo thủ tục hành chính được ban hành có chi phí tuân thủ thấp nhất, góp phần tạo điều kiện cho đời sống sinh hoạt và hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với luật. 

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp. Đảm bảo tiến độ, chất lượng trong công tác rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, lĩnh vực được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. 

Đọc thêm