Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật “trăm hoa đua nở”

(PLVN) - Có thể nói trong bối cảnh mà nhiều hình thức phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã đi vào lối mòn, kém hiệu quả, thì các cuộc thi tìm hiểu pháp luật đặc biệt là thi bằng hình thức trực tuyến đã có tác dụng rất thiết thực, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL thời gian gần đây được nhiều Bộ, ngành, địa phương phát huy ưu thế. Đặc biệt trong các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến. Đơn cử cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2016, 2017 đã thu hút 269.611 học sinh của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đăng ký tham gia. Mới đây nhất, tối ngày 8/11, nhân Ngày Pháp luật Việt nam Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công ty CP Tập đoàn giáo dục E-group long trọng tổ chức Lễ phát động Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu kiến thức pháp luật với tên gọi “Pháp luật học đường”. 

Đây là cuộc thi được tổ chức trong phạm vi toàn quốc, với sự tham gia dự thi của các em học sinh trung học phổ thông; các em học sinh, học viên, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cuộc thi không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh của các em học sinh, học viên, sinh viên mà còn giúp các em có thêm kiến thức pháp luật, thấy pháp luật thật dễ hiểu, thật gần gũi; thấy việc chấp hành pháp luật thật cần thiết và đơn giản như những công việc hàng ngày. Cuộc thi trực tuyến còn thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ giáo dục, đào tạo cũng như định hướng mới của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tập trung mạnh vào hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường; đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Ở địa phương, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cũng diễn ra hết sức sối nổi. Năm 2019, Hà Nội kết hợp tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với tổng kết cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” dưới hình thức thi trực tuyến mục đích của cuộc thi nhằm phổ biến rộng rãi cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến của TP, giúp cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân thấy được lợi ích, hiệu quả của Dịch vụ công trực tuyến, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng Dịch vụ công trực tuyến và kết quả giải quyết thủ tục hành chính.  Sau 7 tháng triển khai, đã có 867.418 lượt bài dự thi. Một số địa phương có lượng bài dự thi rất cao, một số sáng kiến, góp ý đã được đưa vào ứng dụng, mang lại kết quả phản hồi tốt.

Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa đã tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Toàn thành phố có 4.279 bài dự thi cùa 165 cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia. 

Tại Bắc Kạn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến năm 2019 hướng đến các công dân Việt Nam có độ tuổi từ 15 tuổi trở lên, hiện đang sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Với nội dung của cuộc thi là tìm hiểu các quy định của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ…. Sau 1 tháng diễn ra đã có 6.826 thí sinh tham gia dự thi, tăng hơn 2.976 người so với năm trước. Theo đánh giá của Ban tổ chức, cuộc thi là một hình thức tuyên truyền, PBGDPL mới, có nhiều ưu điểm nổi bật. Người dự thi có thể dự thi ở mọi lúc mọi nơi nếu có phương tiện kết nối internet. Kết quả của cuộc thi cho thấy ứng dụng công nghệ thông tin là hướng đi đúng đắn trong hoạt động PBGDPL.

Còn tại Đồng Nai, cũng trong năm nay, Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật năm 2019” đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong các tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, học viên, sinh viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nội dung của cuộc thi về pháp luật hình sự, giao thông, lao động, bảo hiểm xã hội, an ninh mạng, tố cáo,...đây là những nội dung thiết thực, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày. Cuộc thi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019 của tỉnh Đồng Nai. Cuộc thi đã thu hút được 281.000 lượt thi.

Khó có thể kể hết các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến mà các địa phương đã và đang triển khai, tuy nhiên qua thực tiễn cho thấy, các cuộc thi đang phát huy hiệu quả, được các tầng lớp cán bộ, nhân dân hưởng ứng tích cực. Nhờ đó, pháp luật ngày càng có sức lan tỏa, thẩm thấu vào đời sống. 

Đọc thêm