Cần xử lý linh hoạt vấn đề quốc tịch, hộ tịch cho trẻ em có yếu tố nước ngoài

(PLVN) - Ngày 27/11, UBND TP Cần Thơ làm việc với lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành và các quận, huyện về việc rà soát, giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ tịch cho trẻ em có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TP Cần Thơ.

Phát huy sức mạnh công tác phối hợp

Theo báo cáo, tính đến ngày 30/10/2019, toàn thành phố có 1.027 trường hợp trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài, trong đó có 23 trường hợp chưa được đăng ký khai sinh. Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ cho biết, đây là vấn đề đang gặp khó khăn tại địa phương. Điều này ảnh hưởng đến việc đi học, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, các quyền liên quan cho trẻ em. Trước tình hình đó, Sở chủ động phối hợp các cơ quan ban hành có liên quan xin ý kiến trình Chủ tịch UBND giải quyết vấn đề này tuy nhiên vẫn còn không ít vướng mắc.

Vấn đề đăng ký khai sinh cho trẻ em có yếu tố nước ngoài vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn.
 Vấn đề đăng ký khai sinh cho trẻ em có yếu tố nước ngoài vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Theo Sở Tư pháp nhiều nhóm nguyên nhân dẫn đến trường hợp trên. Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài đã có hộ chiếu nước ngoài nhưng không có giấy tờ hộ tịch. Về nguyên tắc, sinh ra ở nước ngoài, cha là công dân nước ngoài đã có hộ chiếu, quốc tịch nước ngoài thì Việt Nam không có thẩm quyền đăng ký khai sinh. Nhiều người thắc mắc trẻ em thì làm sao có hộ chiếu. Tuy nhiên, bà Dao dẫn chứng: “Thực tế đã có trường hợp bé chưa tới 2 tuổi là con của công dân Việt Nam và người nước ngoài có hộ chiếu”.

Bên cạnh đó, đối với trẻ em sinh ra ở nước ngoài về Việt Nam bằng đường bộ, không mang đầy đủ giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân với người nước ngoài cũng như giấy tờ chứng minh. Đối tượng này không xác định cho đăng ký khai sinh ở nước ngoài hay chưa nên không thể thực hiện thủ tục đăng ký. Ngoài ra, trẻ sinh ra ở Việt Nam, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn với người nước ngoài nhưng vì hoàn cảnh nào đó trở về Việt Nam sinh sống và có con với người đàn ông Việt Nam nhưng chưa ly hôn. Trường hợp này trẻ vẫn được đăng ký khai sinh nhưng phải ghi cha là người nước ngoài. Người thân mong muốn khai sinh con ghi tên cha là người Việt Nam nhưng lại không đủ điều kiện...

Không những thế, theo bà Dao, từ khi Luật Hộ tịch có hiệu lực đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, đơn giản hóa việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài từ đó dẫn đến khó kiểm soát việc đăng ký kết hôn của người dân. Không có điều kiện xác minh cụ thể. “Hiện nay cũng không còn thủ tục gặp trực tiếp 2 đối tượng phỏng vấn như trước đây. Nếu tìm hiểu xác minh thì người dân cho rằng làm khó, dẫn đến các tiêu cực khác”, bà Dao nói.

Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị linh hoạt để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em có yếu tố nước ngoài.
 Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị linh hoạt để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em có yếu tố nước ngoài.

Một trong những vấn đề nan giải hiện nay là tư duy và ý thức cục bộ, nhận thức pháp luật còn hạn chế của người dân. Các ngành chức năng địa phương cố gắng đưa ra các giải pháp để đảm bảo quyền và lợi ích của các em nhưng người nhà lại cố tình giấu giếm thông tin và khai báo sai sự thật dẫn đến những hậu quả khôn lường. “Họ khai sai sự thật, khai không có bất kỳ giấy tờ gì để được đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, đến khi họ xuất cảnh lại xuất trình giấy tờ để xuất cảnh. Có trường hợp lực lượng chức năng báo cho Sở Tư pháp và cho rằng xã cấp khai sinh sai thẩm quyền vì xã không có thẩm quyền cấp khai sinh đối với trẻ em có yếu tố nước ngoài”, bà Dao phân tích. 

“Đừng để vì bất kỳ lý do gì để các em mất quyền lợi”

Ở góc độ ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, trước đây nhiều trường hợp các em không được đến trường vì không có giấy tờ, “không biết ghi tên gì”, cuối cùng thống nhất Sở làm hướng dẫn để phụ huynh tự khai và có xác nhận của công an xã để cho các em có điều kiện đến trường. Sau đó, nếu các em có khai sinh thì cập nhật, đúng thì thôi, nếu sai thì điều chỉnh lại. Đặc biệt, đối với học sinh lớp 12 phải có khai sinh phù hợp với học bạ để dự thi THPT.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, năm vừa qua Sở và các ngành liên quan đã gặp một “ca khó” do người nhà khai báo không đúng sự thật. Đó là trường hợp một em học sinh lớp 12 đang chuẩn bị thi THPT Quốc gia. Ông Hồng kể, em này có khai sinh và tên Đài Loan nhưng trước đây cha mẹ lại khai khác. Từ lớp 1 đến lớp 12 trong học bạ đều dùng tên Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó lại xuất hiện một giấy khai sinh có tên Đài Loan. Do học bạ và khai sinh khác nhau không thể dự thi THPT Quốc gia nên trong vòng hơn 1 tháng, Sở GD&ĐT cùng Sở Tư pháp và các ngành đã ráo riết làm lại các giấy tờ cho phù hợp để em học sinh này được dự thi. 

Từ đó, ông Hồng cho biết, hiện Bộ GD&ĐT vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về vấn đề này nên đề nghị UBND TP nghiên cứu, xem xét đề nghị Bộ GD&ĐT hướng dẫn.

Theo đại diện lãnh đạo quận Thốt Nốt – quận có số lượng trẻ em có yếu tố nước ngoài đông nhất, toàn huyện có 193 trường hợp trẻ em có yếu tố nước ngoài. Trong đó có 189 trường hợp đăng ký khai sinh và 4 trường hợp chưa đăng ký khai sinh. Đặc biệt trên địa bàn còn những trường hợp do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện xét nghiệm ADN để xác định cha. Vừa qua, quận đã vận động và hỗ trợ 9 trường hợp đi xét nghiệm AND.

Sau khi lắng nghe ý kiến các ngành liên quan, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phối hợp để thực hiện đầy đủ thông tin về trẻ em và từng nhóm đối tượng trẻ em. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông để người dân biết được quyền lợi và thủ tục để đăng ký. “Ngoài ra, các đơn vị cần lập quy trình liên ngành, thủ tục liên thông giữa các ngành để có sự phối hợp chung. Đặc biệt, ngành y tế cũng phải linh hoạt để đảm bảo quyền lợi về chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế cho các em. Đừng để vì bất kỳ lý do gì để các em mất quyền lợi”, bà Ánh nhấn mạnh. 

Đọc thêm