“Chuẩn hóa” điều kiện các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý

(PLO) - Để bảo đảm tính bền vững, đúng mục tiêu của công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) theo hướng kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ, một yêu cầu đặt ra là tổ chức thực hiện TGPL phải tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời, có chất lượng theo nhu cầu của người được TGPL. Đây cũng là một trong những nội dung được nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật TGPL.  
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Theo Luật TGPL 2006, các tổ chức thực hiện TGPL là Trung tâm TGPL Nhà nước và các tổ chức tham gia TGPL. Điều 14 Luật TGPL quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập và bảo đảm về biên chế, kinh phí hoạt động của Trung tâm. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Chi nhánh của Trung tâm được Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương.

Còn các tổ chức tham gia TGPL là tổ chức hành nghề luật sư và tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Các tổ chức này thực hiện TGPL theo Giấy đăng ký tham gia TGPL với Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động. Việc tham gia thực hiện TGPL của các tổ chức này là hoàn toàn tự nguyện.

Tuy nhiên, Luật TGPL quy định bất kỳ tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật nào cũng được đăng ký thực hiện TGPL mà không quy định điều kiện cho các tổ chức này cũng như không có quy định Nhà nước chi trả kinh phí thực hiện TGPL. Luật cũng chưa có cơ chế vinh danh, miễn giảm thuế tạo điều kiện cho tổ chức hành nghề luật sư, luật sư tham gia thực hiện TGPL, bởi thế nhiều luật sư chưa thực sự tâm huyết với dịch vụ TGPL. 

Để đa dạng hóa các tổ chức thực hiện TGPL, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, việc sửa đổi Luật TGPL dự kiến quy định tổ chức thực hiện TGPL là Trung tâm TGPL và các tổ chức tham gia TGPL, bổ sung điều kiện của các tổ chức tham gia TGPL nhằm được Nhà nước xem xét, ký hợp đồng thực hiện TGPL và hỗ trợ kinh phí. Theo đó, các điều kiện tối thiểu cần có là lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực TGPL theo quy định của Luật; có ít nhất 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức; có trụ sở làm việc; có cam kết về chất lượng thực hiện TGPL theo quy định của pháp luật TGPL; không đang trong thời gian bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật.

Mặc dù có phát sinh thêm thủ tục lựa chọn các tổ chức đăng ký tham gia TGPL song hướng sửa đổi, bổ sung này sẽ tăng được tính chuyên nghiệp của hoạt động TGPL, chuẩn hóa các tổ chức tham gia TGPL nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL. Ngoài ra, sẽ thu hút được tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật có uy tín, kinh nghiệm thực hiện TGPL vì có hỗ trợ kinh phí và việc quản lý, theo dõi các tổ chức tham gia TGPL sẽ sát sao, chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong việc thanh tra, kiểm tra. Hơn nữa, việc sửa đổi như vậy không làm phát sinh kinh phí do chỉ thay đổi cơ chế từ việc Nhà nước trả kinh phí cho cộng tác viên sang việc Nhà nước trả kinh phí cho luật sư làm việc theo hợp đồng cộng tác với Trung tâm TGPL Nhà nước và tổ chức tham gia TGPL.

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự án Luật TGPL (sửa đổi) vào chiều 17/6, đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật TGPL. Nhưng riêng với hướng sửa đổi trên, nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đề xuất nên quy định Trung tâm ký hợp đồng trực tiếp với luật sư.

Đọc thêm