“Công tác THADS góp phần quan trọng tạo nên sự vững mạnh chung của Ngành Tư pháp”

(PLO) - Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (THADS), một lĩnh vực quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển của ngành Tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Tiến Dũng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp về vấn đề này. 
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng

Theo Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về THADS, THAHC... Xin Thứ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, bám sát các chương trình hành động của Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác THADS từ Tổng cục THADS đến các địa phương như thế nào? 

- Như chúng ta đã biết, THADS là hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật, bảo đảm công lý được thực hiện, trực tiếp góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định. Đây là một nhiệm vụ lớn, phức tạp và quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp. Những đóng góp của công tác THADS góp phần quan trọng tạo nên sự vững mạnh chung của ngành Tư pháp trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Tố tụng Hành chính năm 2010,  năm 2015 và Nghị định số 22/2013/NĐ-CP đã quy định tương đối đầy đủ, cụ thể chức năng và những nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về THADS, hành chính, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác THADS, gắn hoạt động THADS với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Bộ Tư pháp đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tư pháp đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao, qua đó tạo nhiều chuyển biến cơ bản, tích cực trong toàn Hệ thống. 

Tôi cho rằng những thành tựu nổi bật cần phải kể đến, đó là hành lang pháp lý trên các mặt công tác THADS ngày càng đầy đủ, toàn diện; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ được kiện toàn từng bước ngang tầm với nhiệm vụ được giao; kỷ luật, kỷ cương hành chính, cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, hiệu quả hơn; trụ sở, kho vật chứng, trang thiết bị làm việc ngày càng khang trang, thể hiện vị thế của cơ quan bảo vệ pháp luật và đặc biệt là kết quả THADS về việc và về tiền cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ giao và có xu hướng bền vững qua các năm (giai đoạn 2011-2015, so với năm đầu nhiệm kỳ 2011, số thi hành xong của năm 2015 tăng 153.995 việc, tương ứng 40,52% và tăng 32.651 tỷ đồng, tương ứng 321%).

Chuyển biến tích cực của hoạt động THADS đã và đang góp phần đáng kể vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Chương trình hành động của Chính phủ, điển hình và rõ nét nhất là việc thời gian qua, hoạt động THADS tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham gia tháo gỡ khó khăn, khơi thông, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh thông qua hoạt động thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng hay nâng cao an sinh xã hội thông qua việc xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

Trong báo cáo mới nhất của Bộ Tư pháp gửi Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho thấy, kết quả THADS đối với những vụ việc có điều kiện thi hành án, số vụ việc chưa có điều kiện thi hành án đều tăng nhưng số tiền thu được từ công tác thi hành án còn thấp, mới thu được hơn 14 nghìn tỷ đồng trong tổng số hơn 122 nghìn tỷ đồng phải thi hành án. Xin Thứ trưởng cho biết, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này? 

- Trước hết, tôi xin hết sức chia sẻ những khó khăn trong công tác THADS. Các cơ quan THADS đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng kết quả thi hành án xong về tiền còn đạt thấp, số việc và tiền có điều kiện chưa thi hành xong chuyển sang kỳ sau vẫn khá nhiều, theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2016 còn 226.408 việc, tương ứng với số tiền trên 83.374 tỷ đồng. 

Tôi thấy có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, chẳng hạn như, nhiều tài sản, nhất là bất động sản đã kê biên, thẩm định giá, phải định giá lại nhiều lần vẫn không có người mua. Nhiều vụ việc phải thi hành án có số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị rất nhỏ. Cơ chế quản lý tài sản còn thiếu minh bạch, hiệu quả, các giao dịch kinh tế, dân sự hiện nay vẫn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức thanh toán tiền mặt, khó kiểm soát được thu nhập, tài sản của tổ chức, cá nhân, gây khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản của cơ quan có thẩm quyền... Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có một phần nguyên nhân đến từ một bộ phận cán bộ, công chức THADS còn hạn chế về năng lực, kỹ năng làm việc, ý thức trách nhiệm, cũng như tính chủ động, tích cực trong công việc. Tại Hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm 2016 công tác THADS, Đồng chí Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đã chỉ đạo phải khắc phục các tồn tại hạn chế, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu năm nay

Để công tác THADS thực sự chuyển biến mạnh mẽ, lấy tiêu chí phục vụ, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động tư pháp, xin Thứ trưởng cho biết trong thời gian tới, các cơ quan THADS cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì?

- Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ đã khẳng định một cách rõ ràng, cụ thể và dứt khoát đường lối lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là “kiến tạo”, “liêm chính” và “phục vụ”. Quyết tâm của Chính phủ là cả hệ thống hành chính từ Trung ương đến địa phương phải kiên quyết dỡ bỏ các rào cản, loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch và các hiện tượng cản trở phát triển, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; các cơ quan nhà nước phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. 

Với tinh thần đó, Hệ thống THADS cần quyết liệt triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động THADS, nâng cao trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch, phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực, xây dựng hình ảnh đẹp về tinh thần, thái độ, tác phong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường minh bạch hóa thông tin để nhân dân biết, chia sẻ và giám sát hoạt động THADS. Tại buổi làm việc với Tổng cục THADS ngày 31/5/2016, tôi đã yêu cầu Hệ thống THADS phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là phải khẩn trương triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thực hiện cơ chế một cửa tại các cơ quan THADS từ năm công tác 2017 để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan THADS và để phục vụ nhân dân và các doanh nghiệp được tốt hơn. Hiện nay, Tổng cục THADS đang chỉ đạo 12 cơ quan THADS tỉnh, thành phố tổ chức thí điểm hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án.

Thưa Thứ trưởng, Cơ quan THADS, ngành Tư pháp sẽ triển khai hoạt động quán triệt, phổ biến Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật THADS sửa đổi, bổ sung vừa có hiệu lực như thế nào để phát huy có hiệu quả chương trình hành động của Bộ Tư pháp nhằm đưa công tác THADS đạt hoặc vượt các chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp?

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta vừa qua đã thành công rất tốt đẹp. Mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu quan trọng và nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm 2016-2010 được đề ra tại  Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã được quán triệt kịp thời, đầy đủ đến các tổ chức cơ sở Đảng cơ quan Bộ Tư pháp. Ngành Tư pháp nói chung, Hệ thống THADS nói riêng cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đặc biệt là yêu cầu hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, không ngừng nỗ lực vươn lên để giải quyết những vấn đề bức thiết của cuộc sống, góp phần duy trì, củng cố tính nghiêm minh của pháp luật. 

Cùng với đó, Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 với nhiều quy định tiến bộ, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan THADS, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp cũng đã có hiệu lực được hơn một năm. Hệ thống THADS cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy và chính quyền địa phương, sự đồng thuận của hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân đối với hoạt động THADS.

Nhìn lại chặng đường 70 năm, tôi tin tưởng và đề nghị các đồng chí cán bộ, công chức, người lao động THADS nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, đề cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn; kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và sự tin yêu của nhân dân.

Đọc thêm