Đảm bảo tính khả thi trong xây dựng tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật

(PLVN) -Sáng 18/8, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì buổi làm việc với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và các đơn vị liên quan về dự thảo Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Đảm bảo tính khả thi trong xây dựng tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật

Theo báo cáo tại cuộc họp, sau hơn 03 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định 619) đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực và mục tiêu quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận thông tin, hòa giải ở cơ sở, thi hành pháp luật, thực hiện dân chủ ở cơ sở… Bộ Tư pháp, chính quyền địa phương các cấp đã chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. 

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn thực hiện Quyết định số 619 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số quy định trong Quyết định bộc lộ bất cập, vướng mắc, không phù hợp với thực tế; tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa chú trọng đến giải pháp, biện pháp thúc đẩy thực hiện các tiêu chí và nhiệm vụ sau đánh giá… Đặc biệt thể chế, quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được hoàn thiện kịp thời. Một số nội dung quan trọng, cối lõi chưa được nghiên cứu cụ thể, nhằm tạo cơ sở khoa học để quy định các nội dung và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm toàn diện, khả thi. Ở Việt Nam, có thể nói đây là vấn đề còn khá mới và trên thực tế chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu, đề cập tới. 

Có thể nói, Quyết định quy định xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (thay thế Quyết định số 619) nhằm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và tạo chuyển biến rõ nét hơn, góp phần vào các mục tiêu phát triển xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, gắn chặt phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. 

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị cân nhắc tên gọi Tờ trình làm sao thể hiện rõ mong muốn và mục tiêu, đối tượng chủ thể hướng tới là công dân và nhân dân, phù hợp với mục đích, yêu cầu. Nhấn mạnh tiêu chí, quy trình đánh giá phải độc lập và của ngành tư pháp, gắn với những vấn đề có ý nghĩa trong công tác pháp luật, công tác tư pháp. Các tiêu chí phải sâu sát, gắn với chức năng, bổn phận, thẩm quyền của chính quyền cấp xã, qua đó, Thứ trưởng đề nghị rà soát kỹ nội dung để xây dựng các tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo tính khả thi đồng bộ, gọn nhẹ.

Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu chú ý quy định về quản lý nhà nước, quy định cụ thể trách nhiệm của bộ, ngành địa phương trong công tác xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật. Thứ trưởng yêu cầu phải quan tâm, phân tích, thí điểm việc ban hành Quyết định trong bối cảnh mới và trên cơ sở đó có đánh giá tổng hợp, kế thừa; giải trình việc ban hành quy định này nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác PBGDPL, tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật ở cơ sở; tăng cường uy tín và trách nhiệm của cấp xã trong vận hành thẩm quyền, chính quyền ở cơ sở. 

Đọc thêm