Điện tử hóa thông tin theo dõi thi hành pháp luật

(PLVN) - Để công tác theo dõi thi hành pháp luật (THPL) của Bộ Tư pháp đạt được hiệu quả cao thì điều kiện tiên quyết là xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp, trong đó chú trọng đến cơ chế cung cấp thông tin. Trước yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử được đặt ra ngày càng cao thì việc cung cấp thông tin về hoạt động này cũng cần được điện tử hóa.
Hình minh họa
Hình minh họa

Từ năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1685/QĐ-BTP về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong công tác theo dõi THPL. Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin hoặc góp ý kiến theo đề nghị của đơn vị chủ trì về lĩnh vực trọng tâm trong công tác theo dõi tình hình THPL liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

Các đơn vị xây dựng pháp luật, các đơn vị có chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật cung cấp thông tin về tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp theo đề nghị của đơn vị chủ trì.

Đồng thời, các đơn vị xây dựng pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật còn có trách nhiệm cung cấp các thông tin theo lĩnh vực đơn vị được phân công phụ trách liên quan đến tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm thuộc phạm vi quản lý liên ngành theo đề nghị của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL cũng như có trách nhiệm cung cấp các thông tin theo lĩnh vực đơn vị được phân công phụ trách liên quan đến tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm thuộc phạm vi quản lý liên ngành theo đề nghị của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL.

Quyết định 1685 đã phát huy tác dụng trong công tác theo dõi THPL của Bộ nhưng cơ chế cung cấp cung cấp thông tin giữa các đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cụ thể, việc cung cấp thông tin theo dõi THPL giữa các đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp chỉ là cung cấp thông tin theo yêu cầu của đơn vị chủ trì, hầu như không có trường hợp nào các đơn vị chủ động cung cấp thông tin cho Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL để kiểm tra, đối chiếu, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin theo yêu cầu thường chậm, quá hạn do quá trình phân công công việc trong cơ quan, đơn vị phải qua khá nhiều cấp trung gian và mỗi khâu của quy trình lại có sự kiểm duyệt của người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc người được giao phụ trách công việc. 

Giải pháp khắc phục tình trạng trên được một số chuyên gia cho biết là các đơn vị thuộc Bộ cần đẩy mạnh hình thức cung cấp thông tin chủ động. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện việc phân công, phân cấp, ủy quyền một cách hợp lý, rõ ràng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính công vụ gắn với thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ, Quy chế phối hợp trong theo dõi THPL và có hình thức xử lý thích đáng đối với trường hợp cố tình vi phạm, gây ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả công việc.

Đặc biệt, cần đa dạng việc cung cấp thông tin bằng ứng dụng phần mềm quản lý các nhiệm vụ được giao và quy định việc trao đổi thông tin qua môi trường mạng giữa các đơn vị. Việc cung cấp thông tin theo dõi THPL cần phải được thực hiện qua môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi dựa trên các ứng dụng truyền thông đa phương tiện. 

Đọc thêm