Gỡ “nút thắt” cho theo dõi thi hành án hành chính

(PLO) - Theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) được hiểu là việc cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) chủ động nắm thông tin và cập nhật về tình hình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, trên cơ sở đó đề nghị người phải thi hành án chấp hành nghiêm bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp bảo đảm thực thi bản án, quyết định của Tòa án. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mặc dù đã có kết quả tích cực trong thời gian đầu thực hiện nhiệm vụ theo dõi THAHC nhưng vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả THAHC nói chung và theo dõi THAHC nói riêng.

Được công khai Quyết định buộc một số cơ quan nhà nước THAHC 

Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định cơ quan THADS có thẩm quyền theo dõi THAHC đối với các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà Tòa án cùng cấp trên địa bàn đã xét xử sơ thẩm và trách nhiệm theo dõi THAHC của cơ quan THADS phát sinh khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

Căn cứ Nghị định 71, việc theo dõi THAHC của cơ quan THADS được thực hiện với các nhiệm vụ (thủ tục) cơ bản như: Tiếp nhận, kiểm tra, vào sổ bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính do Tòa án gửi/đương sự cung cấp, phân công chấp hành viên thực hiện theo dõi việc THAHC; Ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án.

Hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không chấp hành hoặc chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính và Nghị định 71, cơ quan THADS có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án.

Trường hợp vụ việc có Quyết định buộc THAHC của Tòa án, cơ quan THADS thực hiện: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc THAHC, chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án; Có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án không chấp hành hoặc chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính và Nghị định 71; Gửi hoặc đăng tải công khai Quyết định buộc THAHC trên Trang thông tin điện tử của Cục THADS tỉnh, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ trong trường hợp người phải thi hành án là UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chấm dứt công khai thông tin trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thi hành xong.

Cơ quan THADS cũng phải cập nhật thông tin tình hình THAHC vào hồ sơ theo dõi THAHC và báo cáo đột xuất hoặc định kỳ tình hình theo dõi THAHC theo quy định hoặc theo yêu cầu. 

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo, xử lý địa phương để án kéo dài

Với những quy định rất cụ thể này, hoạt động theo dõi THAHC năm 2017 (năm đầu tiên thực hiện chức năng theo dõi) đạt kết quả tích cực với 36 bản án, quyết định thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan THADS, đã ban hành văn bản thông báo trách nhiệm tự nguyện thi hành án với 297 việc, 64 việc còn lại Tòa án đã có quyết định buộc phải thi hành án.

Đã thi hành xong 276 việc, còn 85 việc, trong đó có 50 vụ việc người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện... 8 tháng đầu năm 2018 đã theo dõi, đôn đốc, thi hành xong 145 bản án, quyết định hành chính.

Tuy nhiên, theo Tổng cục THADS, tình trạng không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nói chung và phần tài sản trong bản án, quyết định của một số cơ quan Nhà nước vẫn còn, nhất là các khoản trả lại tài sản, giao lại đất đai cho người khởi kiện, đã và đang gây bức xúc, khiếu kiện của người dân.

Bên cạnh đó, một số tòa án địa phương thực hiện chưa nghiêm việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sang cơ quan THADS để theo dõi, trong khi đây là cơ sở quan trọng, phát sinh trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính và tổ chức thi hành các khoản án phí của các cơ quan THADS…

Để khắc phục được những tồn tại, vướng mắc trên, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng tồn đọng án hành chính, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp để thực hiện việc kiểm tra đối với một số địa phương có lượng án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xử lý.

Tổng cục THADS thì cho biết sẽ tiếp tục chú trọng tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ theo dõi THAHC cũng như làm tốt công tác phối hợp với Tòa án trong THAHC, theo dõi THAHC… 

Đọc thêm