Hà Nội: Khó khăn trong đôn đốc thi hành án hành chính

(PLVN) - Là địa bàn có nhiều đặc thù nên công tác thi hành án hành chính (THAHC) trên địa bàn Thủ đô luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp không ít khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mặt thể chế.
Hà Nội: Khó khăn trong đôn đốc thi hành án hành chính

Từ ngày 1/7/2016 đến ngày 31/5/2019, các cơ quan THADS Hà Nội phải tổ chức thi hành 30 bản án (trong đó 9 bản án tồn từ những năm trước, 21 bản tiếp nhận mới từ ngày 1/7/2016 đến ngày 31/5/2019). Đã thi hành xong 11 bản án, quyết định; 1 bản án đã có kháng nghị của Tòa án; chưa thi hành 18 bản án, quyết định. 

Để chỉ đạo việc tổ chức THAHC trên địa bàn Thành phố, ngày 5/12/2017, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS, hành chính, trong đó khẳng định tầm quan trọng của công tác THAHC. Ngày 18/12/2017, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 244/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, trong đó yêu cầu lãnh đạo các Sở, ban, ngành, thủ trưởng các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; các thành viên Ban Chỉ đạo THADS Thành phố, quận, huyện, thị xã tập trung tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về THAHC; quán triệt triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, pháp luật của Nhà nước về công tác THAHC…

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác THAHC trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn như: người phải thi hành án không chủ động thi hành án, đối tượng của THAHC là các quyết định liên quan chủ yếu đến cơ quan hành chính Nhà nước. Hệ thống pháp luật chưa thực sự hoàn thiện và thống nhất, điều này khiến chủ thể được thi hành án trong bản án, quyết định của Tòa án hành chính càng thêm khó khăn trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Mặt khác, các quy định của pháp luật về THAHC nằm rải rác, tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau như: Luật Tố tụng hành chính, Luật THADS…. Trong đó, nhiều nội dung chưa cụ thể, rõ ràng: về cách thức thực hiện; việc đôn đốc, cưỡng chế THAHC; việc xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người phải thi hành án không thi hành án; việc thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp người phải thi hành án biết để xem xét chỉ đạo trong trường hợp người thi hành án là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh…

Về thủ tục và thời hạn THAHC, tuy pháp luật có quy định trách nhiệm đôn đốc, theo dõi của cơ quan THADS nhưng cơ quan thi hành án địa phương cùng cấp với cơ quan phải thi hành án nên rất khó khăn trong việc đôn đốc, theo dõi thi hành án đối với các bản án mà người phải thi hành án là Chủ tịch UBND hoặc UBND cùng cấp. Mặt khác, công tác thi hành án từ cấp Thành phố đến các đơn vị cấp quận, huyện đều phụ thuộc vào sự phối hợp của UBND cấp quận, huyện, phường, xã nên việc đề nghị đôn đốc và theo dõi thi hành còn nhiều bấp cập.

Một khó khăn khác mà các cơ quan THADS Hà Nội phải đối mặt là đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác THAHC còn thiếu về số lượng và kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi đó, cơ quan THADS vẫn đang trong tình trạng quá tải công việc, nay được bổ sung thêm nhiệm vụ THAHC nhưng cơ chế lại thiếu rõ ràng, nên chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chính là THADS và thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính mà không có sự đầu tư, quan tâm đúng mức tới việc THAHC.

Để góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Lãnh đạo Cục THADS Hà Nội kiến nghị sửa đổi quy định về cơ chế THAHC, chuyển cơ chế đôn đốc sang cơ chế chủ động thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Hoàn thiện trình tự, thủ tục THAHC, quy định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, kể cả đối với nghĩa vụ không phải là tiền, tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án trong vụ án hành chính…

Về lâu dài, cần ban hành Luật THAHC theo hướng giao cho hệ thống cơ quan THADS tổ chức THADS và THAHC. Đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi các quy định Luật tố tụng hành chính năm 2015 tới các cơ quan tố tụng và chính quyền địa phương nhằm đảm bảo việc thực thi các quy định.

Cùng với đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đối với việc chấp hành pháp luật trong việc giải quyết THAHC vì đặc thù của công tác giải quyết và thi hành các vụ án hành chính là việc phức tạp, một bên là cơ quan hành chính Nhà nước, một bên là người dân nên cần có sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị để chỉ đạo, giám sát đảm bảo các vụ án hành chính được khách quan, công bằng. Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án và UBND trong việc giải quyết, thi hành các bản án hành chính đảm bảo các vụ án hành chính được giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định pháp luật không để kéo dài. 

Đọc thêm