Hà Tĩnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính

(PLVN) -Trong triển khai các giải pháp, nhiệm vụ cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật quý III/2019 vừa qua, Hà Tĩnh quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ vậy, việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Theo đó, công tác cập nhật, công bố danh mục thủ tục hành chính theo các quyết định của bộ, ngành Trung ương được các sở, ban, ngành tích cực thực hiện. Hầu hết thủ tục hành chính các lĩnh vực áp dụng trên địa bàn tỉnh được công bố chuẩn hóa ở cả 3 cấp chính quyền và xây dựng quy trình nội bộ thủ tục hành chính để có cơ sở xây dựng quy trình điện tử. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính được công khai, minh bạch ngay từ khi tiếp nhận cho đến khi giải quyết và trả kết quả trên phần mềm một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông. Nhiều thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian thực hiện, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính , tuân thủ pháp luật.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện thường xuyên rà soát các quy định, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết nhằm kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định, thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, không đảm bảo tính hợp pháp, chồng chéo. Việc đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cấp mã số thuế cho doanh nghiệp được triển khai thực hiện có hiệu quả. 

Đặc biệt, công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính đến nay được nâng cao một bước về thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời, triển khai thực hiện kết nối với ngân hàng cung cấp tài khoản cho doanh nghiệp khi thành lập; triển khai và công khai phần mềm hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ doanh nghiệp qua mạng điện tử, hoàn thành việc đẩy dữ liệu hồ sơ đăng ký Quỹ tín dụng nhân dân, Liên hiệp hợp tác xã lên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tỉnh cũng xây dựng và tuyên truyền rộng rãi video hướng dẫn sử dụng dịch vụ hành chính công mức độ 3 của tỉnh đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị cũng như công khai trên các trang thông tin điện tử để người dân và doanh nghiệp nắm rõ. Thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Thông tư số 01/2019/TT-BNV về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức tại UBND tỉnh đã tổ chức thực hiện, cũng như vận hành có hiệu quả phần mềm gửi nhận văn bản điện tử từ Trung tâm tích hợp dữ liệu, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đáp ứng liên thông và đảm bảo kết nối với Trục liên thông gửi nhận văn bản của Chính phủ…

Thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức thì tận tình, chuyên nghiệp hơn, trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện thủ tục hành chính; kiểm soát quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ được tăng cường; ứng dụng phần mềm vào việc theo dõi tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính; có văn bản nêu rõ lý do gửi cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính trong trường hợp gia hạn thời gian giải quyết, đề nghị bổ sung, hoàn thiện hoặc từ chối giải quyết hồ sơ…

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thanh Hải, việc tiếp tục đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn; sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại một số địa phương chưa đầy đủ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước còn rời rạc, thiếu đồng bộ và chia sẻ, kết nối liên thông, nhất là việc kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin theo ngành dọc của bộ, ngành Trung ương…  

Trên cơ sở đó, ông Hải đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, xem xét bãi bỏ những quy định không cần thiết; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh; cập nhật kịp thời danh mục và nội dung các thủ tục hành chính trên trang Cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo thuận lợi cho các địa phương công bố, công khai và tổ chức thực hiện. Hà Tĩnh cũng kiến nghị Bộ Xây dựng, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính sớm chuẩn hóa lại đầy đủ các danh mục thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP để địa phương có căn cứ triển khai, thực hiện; Bộ Tư pháp tăng cường tập huấn nội dung nâng xếp hạng chỉ số B1 cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn tại địa phương. 

Đọc thêm