Hoàn thiện thể chế về đấu giá tài sản trong thi hành án

(PLO) - Trong công tác thi hành án dân sự (THADS), việc bán đấu giá, giao tài sản cho người mua trúng đấu giá là hoạt động rất khó khăn, có diễn tiến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phải bồi thường.
Một cuộc bán đấu giá tài sản
Một cuộc bán đấu giá tài sản

Vì vậy, cùng với nhiều biện pháp, giải pháp khác nhau thì một giải pháp cần chú trọng là hoàn thiện các quy định liên quan nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bán đấu giá cũng như giao tài sản cho người mua trúng đấu giá tài sản, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động THADS.

Theo thống kê của Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) đến ngày 30/9/2018 (chỉ tính riêng các vụ việc bán đấu giá từ 3 lần trở lên), trên phạm vi toàn quốc còn 2.961 việc bán đấu giá không thành với tổng giá trị tài sản hơn 7,46 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo số liệu của Tổng cục THADS, trong năm 2018 (từ ngày 1/10/2017 đến ngày 30/9/2018), số việc bán đấu giá thành tài sản là 2.846 việc và hơn 11,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã giao 2.110 việc, tương ứng với số tiền gần 9,6 nghìn tỷ đồng (đạt 74,2% về việc và 86,34 % về tiền); hủy kết quả bán đấu giá là 69 việc, tương ứng với số tiền gần 93 tỷ đồng; chưa giao được tài sản là 667 vụ, tương ứng với số tiền hơn 1,4 nghìn tỷ đồng.

So với năm 2017 thì năm 2018 số vụ việc cũng như giá trị bán đấu giá thành đều tăng. Cụ thể, tăng 701 việc và hơn 7,7 nghìn tỷ đồng. Kết quả giải quyết giao tài sản trong năm 2018 cũng tăng vượt bậc so với năm 2017, đặc biệt là về giá trị (tăng hơn 5 nghìn tỷ đồng); số việc và giá trị còn tồn chuyển qua năm 2019 chủ yếu là các vụ việc mới bán đấu giá thành cuối năm 2018.

Trong số 667 vụ việc đã bán đấu giá tồn đọng, chưa giao tài sản cho người mua là do chưa có sự đồng thuận của các cơ quan liên quan hoặc chính quyền địa phương; đương sự chống đối quyết liệt; đương sự đang khiếu nại, tố cáo; người phải thi hành án, cơ quan thi hành án đang thực hiện khởi kiện hủy kết quả bán đấu giá; vụ việc mới bán đấu giá thành; tài sản được giao không đúng thực tế; người mua chưa nộp đủ tiền mua tài sản; đang hoãn thi hành án; đương sự đang thỏa thuận về việc giao tài sản, người mua được tài sản chưa nộp đủ tiền...

Đối với các vụ bán đấu giá bị tồn đọng, Tổng cục THADS cũng đã xác định được một số tồn tại, hạn chế và một số vi phạm, thiếu sót trong thi hành án, bán đấu giá tài sản và giao tài sản cho người mua như vi phạm về trình tự thủ tục thi hành án, vi phạm về thời hạn giao tài sản, vi phạm về trình tự, thủ tục ra quyết định và xây dựng kế hoạch giao tài sản. Trên cơ sở đó, Tổng cục cho rằng cần sửa đổi các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự với Luật Đấu giá tài sản và Luật THADS.

Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 102 Luật THADS thì chỉ có 2 đối tượng là chấp hành viên và người mua trúng đấu giá tài sản mới có quyền yêu cầu Tòa án xem xét hủy kết quả bán đấu giá. Tuy nhiên, trên thực tiễn TAND các cấp vẫn thụ lý đơn khởi kiện của người phải thi hành án để giải quyết việc yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá dẫn đến việc đương sự lợi dụng quy định này để trốn tránh nghĩa vụ giao tài sản và kéo dài việc thi hành án. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cần tiếp tục phối hợp với TANDTC, VKSNDTC để có biện pháp hướng dẫn thực hiện hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định cho đồng bộ, có tính liên thông để áp dụng.

Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về THADS cho phù hợp với Luật Đấu giá tài sản. Ví dụ, để thực hiện quy định về việc thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, cần sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật THADS cho phù hợp, tránh các cơ quan THADS hiểu nhầm về thời hạn ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá với thời hạn lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản.

Hay quy định về đấu giá tài sản thi hành án trong trường hợp bán lần 1 mà chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá thì coi như bán đấu giá không thành và sẽ phải thực hiện việc giảm giá để bán đấu giá lần 2 là chưa phù hợp, làm giảm giá trị tài sản kê biên. Đây là quy định gây nhiều hiểu lầm, khiến nhiều cơ quan THADS và tổ chức bán đấu giá lúng túng khi thực hiện.

Không những thế, phải tiếp tục tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản và pháp luật về THADS theo hướng đa dạng hóa về hình thức và phong phú về nội dung, qua đó nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, giúp họ nắm được và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật nói chung và pháp luật về đấu giá tài sản, về THADS nói riêng.

Đọc thêm