Hoạt động công chứng thay đổi tích cực sau gần 15 năm xã hội hóa

(PLVN) - Một trong những chủ trương quan trọng trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có hoạt động công chứng (CC). Với chủ trương đúng đắn, “bộ mặt” CC đã thay đổi nhanh chóng, đột phá mạnh mẽ, giúp người dân từ chỗ phải cậy nhờ CC trở thành người được cung cấp dịch vụ công.
Hoạt động công chứng thay đổi tích cực sau gần 15 năm xã hội hóa

Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động CC, ngày 20/6/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật CC năm 2014 với nhiều điểm mới so với Luật năm 2006. Đặc biệt là những quy định thể chế chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động CC theo hướng sâu rộng hơn, không chỉ xã hội hóa về mặt tổ chức mà còn đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động CC, thúc đẩy thành lập và phát huy vai trò tự quản của các hội CC…

Trên cơ sở Luật CC, các văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành khá đầy đủ, tạo ra thể chế đồng bộ để điều chỉnh tổ chức và hoạt động CC. Đáng chú ý, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề CC đến năm 2020 (Quyết định số 2104/QĐ-TTg). Nhờ vậy, đã góp phần phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề CC rộng khắp và phân bổ hợp lý gắn với địa bàn dân cư trên toàn quốc, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện CC; đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động CC gắn liền việc tăng cường phát triển các văn phòng CC.

Mạng lưới tổ chức hành nghề CC gắn với địa bàn dân cư đã được phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn quốc. Các văn phòng CC đã hoạt động theo mô hình công ty hợp danh, Phòng CC một số địa phương đã được chuyển đổi thành Văn phòng CC… Nếu năm 2008 (thời điểm có Văn phòng CC) chỉ có 43/128 văn phòng thì đến nay, cả nước có 1/026 tổ chức hành nghề CC, bao gồm 125 phòng CC và 901 văn phòng CC.

Năm 2007, cả nước có 393 CC viên thì đến tháng 6/2019, số lượng CC viên là 2.576 người. Tỷ lệ CC viên trên đầu người năm 2006 là 1/247 nghìn dân thì đến tháng 6/2019 là 1/40 nghìn dân. Việc mở rộng nguồn để bổ nhiệm CC viên, thông qua việc cho phép những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật được hành nghề CC mà không nhất thiết phải là cán bộ trong cơ quan nhà nước, đã khắc phục được tình trạng thiếu biên chế và kinh phí để phát triển đội ngũ CC viên, tổ chức hành nghề CC.

Cùng với sự phát triển về số lượng thì chất lượng của đội ngũ CC viên cũng được nâng lên. Các CC viên được bổ nhiệm cho văn phòng CC đều là những người có trình độ và kinh nghiệm trong công tác pháp luật. Hầu hết số CC viên này sau khi được bổ nhiệm đã tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ CC, 100% CC viên được bổ nhiệm đều có trình độ cử nhân luật trở lên.

Tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực CC phát triển mạnh mẽ. Số lượng hiệp hội CC ở các tỉnh/thành phố ngày càng tăng. Năm 2011, mới chỉ có Hội CC TP Hà Nội được thành lập thì đến tháng 7/2018 đã có 50 hội CC viện được thành lập, trong đó 49 hội đi vào hoạt động. Giữa tháng 1/2019, Đại hội Đại biểu CC viên toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức thành công và thành lập Hiệp hội CC viên Việt Nam. CC Việt Nam chính thức gia nhập Liên minh CC quốc tế, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Chủ trương xã hội hóa hoạt động CC là hết sức đúng đắn, tạo điều kiện cho việc phát triển tổ chức và hoạt động CC của Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hóa, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của hoạt động CC khu vực và thế giới, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu hút đầu tư nước ngoài. Kể từ khi Luật CC 2014 có hiệu lực thi hành đến hết 6 tháng đầu năm 2019, các tổ chức hành nghề CC đã thực hiện CC 28,8 triệu việc, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 2.258 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện đang có quan điểm, nhận thức coi các nghề tư pháp như các nghề kinh doanh thông thường khác nên có xu hướng mở cửa thị trường đối với các nghề này, bao gồm cả lĩnh vực CC trong khi hoạt động CC liên quan đến bảo đảm an toàn giao dịch. Chủ trương cắt giảm các điều kiện kinh doanh và bãi bỏ quy hoạch CC để phù hợp với Luật Quy hoạch đã tạo thêm áp lực, khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực CC. 

Bởi thế, thời gian tới cần nâng cao chất lượng các dịch vụ công cũng như triển khai tốt các chiến lược, đề án… trong lĩnh vực CC, bảo đảm sự phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp. Đồng thời, phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về CC vì CC là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp có thể ảnh hưởng đến công lý, tác động đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. 

Đọc thêm