Khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019

(PLO) - Sáng nay – 8/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đồng chủ trì phiên làm việc buổi sáng.

Trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã quán triệt một số vấn đề cần thiết về nội dung, thời gian, chương trình Hội nghị.

Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu khai mạc Hội nghị
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu khai mạc Hội nghị

Tiếp đó, các đại biểu tham dự đã nghe các Báo cáo chuyên đề. Cụ thể, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn trình bày Báo cáo “Tình hình thực hiện Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018 – 2022" và các đề xuất, kiến nghị”;

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba báo cáo chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL và khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật”;

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến trình bày Báo cáo “Một số vấn đề cần lưu ý về phát triển tổ chức hành nghề công chứng trong bối cảnh Luật công chứng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật liên quan đến quy hoạch”;

Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Hồng Diện báo cáo chuyên đề “Một số vấn đề cần lưu ý qua công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp”.

Cục trưởng Đặng Thanh Sơn đề nghị tổ chức pháp chế các bộ, ngành và Sở Tư pháp tăng cường tham mưu
Cục trưởng Đặng Thanh Sơn đề nghị tổ chức pháp chế các bộ, ngành và Sở Tư pháp tăng cường tham mưu

Theo đó, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 242/QĐ-TTg, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn đề nghị tổ chức pháp chế các bộ, ngành và Sở Tư pháp tăng cường tham mưu với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện một số vấn đề như chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 242 và tổ chức thực hiện nghiêm túc, chất lượng và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Quyết định số 242/QĐ-TTg và trong kế hoạch thực hiện của bộ, ngành, địa phương mình.

Bên cạnh đó là ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật đối với lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý; tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị cũng như trên cổng thông tin điện tử của bộ, ngành và địa phương...

Căn cứ vào tình hình thực hiện tại các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật và khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật trong thời gian tới, Cục trưởng Đồng Ngọc Ba đề xuất các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật…

Cục trưởng Đồng Ngọc Ba đề xuất các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác kiểm tra văn bản
Cục trưởng Đồng Ngọc Ba đề xuất các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác kiểm tra văn bản 

Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến thì cho biết, việc bỏ biện pháp quản lý nhà nước bằng “quy hoạch” cần phải có biện pháp quản lý khác thay thế để bảo đảm chất lượng hoạt động công chứng. Việc ban hành các “tiêu chí” theo quy định tại Điều 70 Luật Công chứng là hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ việc phát triển các Văn phòng công chứng - các tổ chức tư nhưng lại cung cấp dịch vụ công, có tính chất ủy quyền của Nhà nước.

Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến: bỏ biện pháp quản lý nhà nước bằng “quy hoạch” cần phải có biện pháp quản lý khác thay thế
Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến: bỏ biện pháp quản lý nhà nước bằng “quy hoạch” cần phải có biện pháp quản lý khác thay thế

“Do đó, phải bảo đảm các tổ chức hành nghề công chứng phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững nhưng không kìm hãm sự phát triển các tổ chức hành nghề công chứng để đáp ứng yêu cầu công chứng của xã hội” – bà Yến nhấn mạnh. Bởi theo kinh nghiệm các nước trên thế giới dù có quy hoạch hay không có quy hoạch thì Nhà nước đều quản lý rất chặt chẽ đối với hoạt động và sự hình thành các tổ chức hành nghề công chứng...


Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Nguyễn Anh Tuấn đã công bố các Quyết định tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 5 tập thể: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Viện Khoa học pháp lý, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Thanh tra Bộ.

10 đơn vị thuộc Bộ được tặng Cờ thi đua ngành Tư pháp là Văn phòng Bộ, Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Báo Pháp luật Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Thanh tra Bộ.

 23 Sở Tư pháp được tặng Cờ thi đua ngành Tư pháp gồm Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, TP HCM, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Phú Thọ, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Hải Dương, Bình Dương, Gia Lai, Hà Nội, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Lai Châu, Bắc Giang, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Bắc Kạn, Quảng Ngãi.

Hội nghị cũng công bố và trao Quyết định công nhận điển hình tiên tiến ngành Tư pháp năm 2018 cho 16 tập thể và 15 cá nhân; công bố Quyết định công nhận Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp cho 3 cá nhân khối các đơn vị thuộc Bộ; trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 51 tập thể, 51 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Kết luận phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Lê Thành Long đề cập một số vấn đề cần lưu tâm của 4 báo cáo chuyên đề. Đối với chuyên đề về công tác theo dõi thi hành pháp luật, theo Bộ trưởng, cần quan tâm hơn tới các lĩnh vực theo dõi trọng tâm và việc áp dụng pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính. Trong công tác kiểm tra văn bản thì cần quan tâm chất lượng đầu vào của các văn bản, sự kiên trì của các cơ quan Tư pháp đối với các bộ, ban, ngành khi phát hiện ra văn bản trái pháp luật, cần xử lý.

Về công chứng, Bộ trưởng thẳng thắn cho hay do không còn quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng nên đây sẽ là thách thức với ngành Tư pháp. Tuy nhiên, tinh thần là Bộ sẽ  có công văn hướng dẫn điểm chung nhất về áp dụng pháp luật, cách thức điều hành và các địa phương xuất phát từ thực tế của mình để đảm bảo chất lượng quản lý…

Rất chia sẻ với khối lượng công việc ngày một nhiều lên, trách nhiệm công việc ngày một nặng nề của Sở Tư pháp hiện nay, Bộ trưởng mong muốn các Giám đốc Sở tiếp tục quan tâm sắp xếp công việc phù hợp, phát huy các giá trị gia tăng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lưu ý trong năm 2019 sẽ tiếp tục sắp xếp bộ máy, Bộ trưởng cũng đề nghị Giám đốc Sở hết sức quan tâm để tham mưu vấn đề này cho cấp ủy, chính quyền địa phương một cách phù hợp hơn. Về công tác phối hợp giữa đơn vị thuộc Bộ với địa phương, Bộ trưởng cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ cố gắng tháo gỡ tối đa những khó khăn, vướng mắc mà địa phương phản ánh.

Trong kế hoạch công tác năm 2019, Bộ trưởng đề nghị các Sở Tư pháp nhanh chóng liệt kê rõ một số nhiệm vụ của ngành Tư pháp để có cơ sở triển khai trong năm. Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng dự được nhiều nhất các hội nghị triển khai công tác của địa phương.

“Báo cáo có cụ thể đến đâu, số liệu có hay thế nào cũng không nói hết được cố gắng ngày đêm, âm thầm của toàn hệ thống Bộ, ngành Tư pháp. Mong các đồng chí thực hiện như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói là làm sao để năm 2019 tất cả các chỉ tiêu phải hơn năm 2018” – Bộ trưởng nhắn nhủ.

Một số hình ảnh trao danh hiệu thi đua, khen thưởng:





Đọc thêm