Khoảng 45% dân số thuộc diện được trợ giúp pháp lý

(PLVN) - Đây là thông tin được Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) đưa ra tại Hội thảo góp ý Bộ công cụ đánh giá nhu cầu năng lực của đội ngũ người thực hiện TGPL do Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh châu Âu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 14/8.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Luật TGPL năm 2017 được ban hành với “xương sống” là nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, yêu cầu điều kiện, tiêu chuẩn của TGVPL tương đương luật sư.

Sau hơn 1 năm thực hiện Luật, chất lượng TGPL được tăng lên, khẳng định được chủ trương đúng đắn của Luật trong thực tế. Một số vụ việc nhờ có TGVPL mà sau khi ra tòa, bị cáo được thay đổi tội danh hoặc thay đổi khung hình phạt. 

Đáng chú ý, theo quy định của Luật, đối tượng được TGPL đã mở rộng từ 6 lên 14 nhóm và qua các dữ liệu về số lượng người được TGPL, dân số, số lượng án trên toàn quốc có thể nhận định nhu cầu TGPL của người dân là khá cao với số người thuộc diện được TGPL - chiếm khoảng 45% dân số cả nước.

Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh phát biểu khai mạc Hội thảo
Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong khi đó, vẫn còn những khoảng trống về năng lực của đội ngũ người thực hiện TGPL. Vì thế, Cục TGPL luôn tìm nguồn lực để mở những khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, trình độ cho đội ngũ người thực hiện TGPL và việc xây dựng, hoàn thiện Bộ công cụ cũng hướng đến mục đích này. 

Cũng quan tâm đến việc cải thiện chất lượng người thực hiện TGPL, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú UNDP Catherine Phương nhấn mạnh, mục tiêu của công tác TGPL là tập trung vào nhóm người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số.

Bà Catherine hoan nghênh, Luật TGPL 2017 đã mở rộng đối tượng được hưởng TGPL từ  6 nhóm lên 14 nhóm. Do đó, vấn đề đặt ra không chỉ là việc tăng số lượng người thực hiện TGPL mà phải nâng cao kỹ năng TGPL, chất lượng vụ việc TGPL. Theo bà, Bộ công cụ đã được kiểm định ở nhiều nước khác và cam kết UNDP sẽ hỗ trợ Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện Bộ công cụ này để triển khai tại Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững. 

Phó Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh chia sẻ một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện TGPL
Phó Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh chia sẻ một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện TGPL
Với quan điểm phát triển công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp hóa, Phó Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh cho biết, Luật TGPL đã quy định đội ngũ TGVPL phải tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ TGPL tối thiểu 8 giờ/ năm. Đồng thời, TGVPL bị miễn nhiệm và thu hồi thẻ khi không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 2 năm liên tục.

Ngoài ra, Luật cũng tiếp tục ghi nhận sự tham gia của đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật đang hoạt động có hiệu quả và chọn lọc những người có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn và bảo đảm về thời giant ham gia TGPL để làm cộng tác viên TGPL.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ TGVPL, ông Thu Anh chia sẻ một số giải pháp cần triển khai như các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng, các giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận của người được TGPL, các giải pháp bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng TGPL.

Chẳng hạn, về đào tạo, bồi dưỡng, cần khảo sát, đánh giá nhu cầu để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng với các nội dung đa dạng; chú trọng đổi mới cách thức tổ chức các lớp tập huấn này từ thời gian, phương pháp đến yêu cầu về giảng viên, nội dung bồi dưỡng… 

Chuyên gia UNDP Dương Thị Thanh Mai giới thiệu Bộ công cụ
Chuyên gia UNDP Dương Thị Thanh Mai giới thiệu Bộ công cụ
Giới thiệu dự thảo Bộ công cụ, chuyên gia UNDP Dương Thị Thanh Mai cho biết cơ sở xây dựng Bộ công cụ là đảm bảo việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí có chất lượng cho người được TGPL, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật.

Trên cơ sở đó, nhiều đại biểu đã đóng góp quan điểm, ý kiến để hoàn thiện Bộ công cụ này. 

Đọc thêm