Lao động di cư: Điều chỉnh bằng...luật việc làm?

Tình trạng lao động di cư từ nông thôn ra thành phố ngày càng phổ biến. Lực lượng lao động này phần lớn là lao động thời vụ, làm việc trong khu vực phi chính thức.  Phần lớn họ bị “bỏ quên”, không được hưởng bảo hiểm xã hội, không nhận được những hỗ trợ pháp lý cần thiết và phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Chính phủ đang đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa Luật Việc làm vào danh sách chính thức của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 để điều chỉnh những vấn đề phát sinh kiểu này.

Tình trạng lao động di cư từ nông thôn ra thành phố ngày càng phổ biến. Lực lượng lao động này phần lớn là lao động thời vụ, làm việc trong khu vực phi chính thức.  Phần lớn họ bị “bỏ quên”, không được hưởng bảo hiểm xã hội, không nhận được những hỗ trợ pháp lý cần thiết và phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Chính phủ đang đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa Luật Việc làm vào danh sách chính thức của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 để điều chỉnh những vấn đề phát sinh kiểu này.

85,8% lao động không được hưởng bảo hiểm xã hội

Thuyết minh cho sự cần thiết phải ban hành Luật Việc làm, Chính phủ khẳng định: “Việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của người lao động để đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo quyền bình đẳng về việc làm cho mọi người lao động là trách nhiệm của mọi quốc gia”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, từ những năm 90 của thế kỷ 20, Việt Nam đã đưa nội dung về việc làm vào Hiến pháp. Bộ luật Lao động năm 1994, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.... và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu đã điều chỉnh các quan hệ về việc làm.

Tuy nhiên, cùng với sự hình thành và phát triển thị trường lao động trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ việc làm ngày càng phát triển về số lượng, phong phú và đa dạng về hình thức nên quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về việc làm đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, ngoài ra còn có một số vấn đề mới về quan hệ việc làm phát sinh cần được điều chỉnh.

Bất cập đầu tiên phải kể đến là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc làm còn tản mạn, chưa đồng bộ, hầu hết các quy định cụ thể được thể hiện trong các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thi hành nên tính pháp lý chưa cao, gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc làm hiện nay (Bộ luật Lao động.....) chỉ điều chỉnh quan hệ việc làm của những người lao động có quan hệ lao động (lao động trong khu vực chính thức), trong khi đó Việt Nam có khoảng 39,6 triệu lao động thuộc khu vực phi chính thức, chiếm 85,8% tổng số lao động có việc làm của lực lượng lao động, nếu không tính lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thì còn 16,7 triệu lao động phi chính thức (chiếm 36% tổng số lao động có việc làm).

Tuy nhiên, số lao động phi chính thức này hiện nhà nước chưa quản lý, chưa có các chính sách hỗ trợ, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội. Điều đó có nghĩa là họ không được hưởng bảo hiểm xã hội.

Qua khảo sát, Chính phủ cũng khẳng định, tình trạng lao động di cư từ nông thôn ra thành phố ngày càng phổ biến. Trong 6 vùng kinh tế của cả nước, năm 2009 chỉ có 2 vùng là vùng nhập cư, 4 vùng còn lại là vùng xuất cư. Lực lượng lao động này phần lớn là lao động thời vụ, làm việc trong khu vực phi chính thức. 

Phần lớn họ bị “bỏ quên” và không nhận được những hỗ trợ pháp lý cần thiết, cũng như được hưởng các chế độ, phúc lợi xã hội dành cho người lao động và phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như bị lạm dụng, lừa gạt, khó khăn về nhà ở, nguy cơ dễ bị tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội như nghiện hút, mại dâm, cờ bạc, các rủi ro trong suy giảm sức khoẻ, khó khăn trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục v.v...

Bên cạnh đó, những năm gần đây xuất hiện tình trạng một số nhà thầu nước ngoài như Trung Quốc, Singapore…. đưa lao động phổ thông chưa qua đào tạo vào làm việc tại Việt Nam theo dự án. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến việc làm của lao động trong nước, không thực hiện được mục tiêu học hỏi, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến của nước ngoài mà còn gây nhiều bất ổn về an ninh, trật tự xã hội.

Do đó, Chính phủ cũng nhận định vấn đề quản lý, cấp  giấy phép lao động cho người nước ngoài trong thời gian tới cần phải có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình, điều kiện mới đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO...

Không thể giải quyết bất cập nếu...

Từ những thực tế, bất cập đang đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về việc làm, Chính phủ khẳng định: những hạn chế bất cập trên không thể khắc phục được nếu chỉ sửa đổi, bổ sung Chương Việc làm của Bộ luật Lao động vì các quan hệ xã hội về việc làm cần được pháp luật điều chỉnh ngày càng mở rộng, nếu chỉ điều chỉnh trong 1 Chương của Bộ luật Lao động thì không đủ, còn nếu mở rộng Chương Việc làm quá nhiều thì sẽ làm mất cân đối Bộ luật Lao động.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành Luật Việc làm còn xuất phát từ việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 – Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên, đồng thời thực hiện các cam kết trong các Công ước quốc tế về việc làm mà Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia.

Dự kiến, phạm vi điều chỉnh của Luật Việc làm sẽ bao gồm các vấn đề như: Chính sách phát triển và hỗ trợ việc làm; Chính sách phát triển thị trường lao động: Thông tin thị trường lao động, Dịch vụ việc làm; Quản lý lực lượng lao động; Tuyển và Quản lý lao động; Phát triển kỹ năng nghề; Bảo hiểm việc làm (ổn định việc làm; bảo hiểm thất nghiệp). Đối tượng áp dụng của Luật Việc làm là Người lao động Việt Nam, Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Người sử dụng lao động.

Lan Phương

Đọc thêm