Ông Đinh La Thăng thi hành được 4,5 tỉ đồng trong tổng số 630 tỉ đồng

(PLVN) -Đây là thông tin được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn cho biết tại cuộc Họp báo thường kỳ Quý I/2021 diễn ra chiều 2/4. Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì cuộc họp báo.
Ông Đinh La Thăng thi hành được 4,5 tỉ đồng trong tổng số 630 tỉ đồng

Trong Quý I/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/2/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng. Ngày 25/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật pháp, lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. 

Tính đến ngày 26/3/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 31 văn bản quy định chi tiết 12 luật đã có hiệu lực.  Bộ Tư pháp đã thẩm định 04 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội; 25 dự án, dự thảo VBQPPL; đã kiểm tra theo thẩm quyền 466 văn bản

Trong 05 tháng năm 2020 (từ 01/10/2020 đến 28/2/2021), các cơ quan THADS 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã thi hành: đã thi hành xong là 178.437/ 401.574 việc có điều kiện thi hành án, đạt tỉ lệ 44,43%, tương ứng thi hành xong khoảng 19.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 13,5%.

Trong Quý I/2021, Bộ Tư pháp tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Cuộc thi trực tuyến với tên gọi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”. Đây là một điểm nhấn quan trọng trong đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã dần được đồng bộ tại 63/63 địa phương cung cấp dữ liệu xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/3/2021, đã có hơn 1.000.000 hồ sơ đăng ký khai sinh mới và khai sinh lại; gần 150.000 hồ sơ đăng ký kết hôn; hơn 140.000 hồ sơ đăng ký khai tử; khoảng 64.000 hồ sơ đăng ký các sự kiện hộ tịch khác; cung cấp dữ liệu xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực công tác như lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, công tác pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế….cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

Quý II/2021, Bộ Tư pháp sẽ tập trung quán triệt, ban hành Chương trình hành động và tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII; tiếp tục thực hiện hiệu quả các Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai các Kết luận mới đây của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; Thực hiện thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chất lượng, tiến độ; Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được ban hành. Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2021....

Trả lời báo giới về nội dung thu hồi tài sản nhà nước trong 2 vụ án liên quan đến cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Đinh La Thăng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn cho biết, ông Đinh La Thăng đã nộp được 4,5 tỉ đồng trên tổng số 630 tỉ đồng phải thi hành trong hai vụ án. Số tiền này là do xử lý căn nhà chung của vợ chồng ông Thăng. Cũng theo ông Nguyễn Văn Sơn, khó khăn nhất trong thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế tham nhũng là số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản của người phải thi hành án lại không nhiều.

Liên quan đến công tác bồi thường nhà nước, trả lời các câu hỏi của báo chí, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Lê Thái Phương cho biết, trong 10 năm từ 1/1/2010 đến hết 2020 đã giải quyết xong trên 420 vụ việc, số tiền ước tính trên 225 tỷ đồng. Theo ông Phương, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017 có cơ chế tốt hơn để hỗ trợ người bị thiệt hại. Hiện có 2 cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận và hướng dẫn người dân bị thiệt hại là Trung tâm hỗ trợ quyền yêu cầu bồi thường thuộc Cục Bồi thường nhà nước và Sở Tư pháp, cơ quan giúp UBND cấp tỉnh trong việc quản lý giải quyết bồi thường.

Tại họp báo, các cơ quan báo chí đã được đại diện các đơn vị trả lời về các vấn đề khác như việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, vấn đề tuyển dụng công chức trẻ; vấn đề tịch thu tài sản thông qua thủ tục kết tội, công tác văn bản quy phạm pháp luật…. 

Đọc thêm