Tăng cường giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cán bộ tiếp công dân

(PLO) - Hôm qua (30/8), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Hoàng Sỹ Thành đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và bồi thường nhà nước (BTNN) trong lĩnh vực THADS. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu địa phương của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và điểm cầu Trung ương tại trụ sở Bộ Tư pháp.
Tăng cường giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cán bộ tiếp công dân

Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn đã báo cáo tình hình công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của các Cục THADS trên toàn quốc, đồng thời khẳng định công tác này đã dần đi vào nền nếp, bước đầu nhận được sự đồng tình, ủng hộ của công dân. Để công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết KNTC trong THADS, gắn với hoàn thiện thể chế về công tác THADS và đổi mới quy trình giải quyết KNTC.

Trước mắt, cần nghiên cứu chế định xử lý kiên quyết đối với những trường hợp lợi dụng quyền KNTC để kích động, gây rối, cố tình KNTC nhằm kéo dài, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án; quy định các biện pháp chế tài đối với các trường hợp lợi dụng việc KNTC xúc phạm cơ quan và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTC, nhất là những đối tượng xúi giục công dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền.

Cùng với đó, các cơ quan THADS cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giải quyết KNTC, đặc biệt là tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ trong nội bộ Ngành. Mỗi cơ quan cần nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, đối thoại với đương sự; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về THADS nói riêng để người dân hiểu và chấp hành pháp luật. Đồng thời, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở địa phương trong giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài.

Là địa phương có lượng đơn thư vượt cấp tương đối lớn, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC đã có những chuyển biến nhất định song chưa rõ nét, Phó Cục trưởng Cục THADS TP HCM Lê Hữu Hòa đã thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên như Chấp hành viên chưa làm hết trách nhiệm, một số đơn vị chưa nâng cao chất lượng đối thoại với công dân nên chưa nhận được sự tin tưởng của người dân.

Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng người dân không đồng tình với bản án nên đã lợi dụng việc khiếu nại để chậm thi hành án, gây khó khăn cho cơ quan THADS. Do đó, thời gian tới, TP HCM sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác đối thoại với công dân; xây dựng lộ trình cụ thể giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài và tăng cường tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ phụ trách công tác giải quyết KNTC.

Về thực trạng công tác giải quyết BTNN, bảo đảm tài chính trong lĩnh vực THADS, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi nêu rõ toàn hệ thống cơ quan THADS đã và đang theo dõi 37 vụ việc, trong đó có 13 vụ việc đã được phê duyệt cấp kinh phí bồi thường với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng, 10 vụ việc đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp kinh phí với tổng số tiền bồi thường theo các bản án, quyết định là hơn 16 tỷ đồng và 14 vụ việc cơ quan THADS đang theo dõi, xem xét và giải quyết.

Theo ông Khôi, do pháp luật về BTNN trong hoạt động THADS còn nhiều bất cập nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng để giải quyết, xử lý các vụ việc thực tiễn phát sinh. Cụ thể, chưa có quy định xử lý các trường hợp người yêu cầu bồi thường không phối hợp, không hợp tác với cơ quan giải quyết bồi thường, chưa có quy định về việc thu hồi tiền để hoàn trả ngân sách nhà nước trong trường hợp có người thứ ba được hưởng lợi.

Từ những vướng mắc đó, lãnh đạo Tổng cục đưa ra một số giải pháp như giải quyết dứt điểm các vụ việc bồi thường, bức xúc, kéo dài trong nhiều năm; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết bồi thường. Đối với những vụ việc có khả năng xảy ra bồi thường, các cơ quan THADS có công chức sai phạm phải chủ động khắc phục hậu quả, giảm thiệt hại, tổ chức tiếp xúc người bị thiệt hại với thái độ cầu thị nhằm giảm bức xúc của công dân.

Nêu lên nguyên nhân dẫn tới tới thực trạng công tác BTNN tại địa phương chưa được giải quyết kịp thời và đúng trình tự, Cục THADS Tây Ninh chỉ rõ là do kỹ năng giải quyết đơn thư của cán bộ còn yếu, nghiệp vụ thẩm tra còn hạn chế, công tác đối thoại với người dân chưa được chú trọng. Vì vậy, địa phương sẽ nỗ lực làm tốt công tác tổ chức thi hành án để giảm tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp và tránh phát sinh BTNN, nếu có, cần thụ lý và giải quyết kịp thời, khẩn trương.

Ghi nhận và biểu dương những chuyển biến nhất định trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC và BTNN trong lĩnh vực THADS, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác này. Cụ thể, công tác chỉ đạo, giải quyết các vụ việc KNTC kéo dài, đặc biệt là vụ việc lãnh đạo Bộ tiếp công dân còn chậm, phát sinh theo chiều hướng phức tạp.

Một số thủ trưởng cơ quan không tiếp công dân định kỳ, chưa chú trọng văn hóa tiếp công dân, không xử lý dứt điểm vụ việc, còn có biểu hiện tự mãn, độc đoán. Cán bộ làm công tác giải quyết KNTC còn có nhiều biểu hiện nể nang, né tránh, thiếu trách nhiệm, xử lý không nghiêm các sai phạm, một số vụ việc giải quyết không khách quan, toàn diện, gây bức xúc cho người dân. Tình trạng thực hiện không đúng trình tự giải quyết các vụ việc phức tạp có chiều hướng gia tăng khiến nguy cơ phát sinh BTNN ngày càng lớn. 

Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu cần nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống; phân loại, giải quyết dứt điểm các vụ việc, hạn chế các vụ việc KNTC vượt cấp, kéo dài. Các Cục trưởng, Chi cục trưởng phải bố trí tiếp công dân theo định kỳ, đồng thời phải tăng cường giám sát và cá thể hóa trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác này. Mỗi đơn vị cần bố trí công chức tiếp công dân có nghiệp vụ vững vàng, khả năng giao tiếp, ứng xử tốt, đồng thời xây dựng quy trình chuẩn và tập huấn công tác tiếp công dân.

Về giải quyết BTNN trong THADS, cần thực hiện bài bản, đúng trình tự theo luật định, tránh tình trạng “giải quyết cho xong”. Đặc biệt, cần chú trọng tới trách nhiệm hoàn trả, các địa phương có nhiều vụ việc bồi thường, nguy cơ phát sinh các vụ việc bồi thường cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết dứt điểm các vụ việc. 

Đọc thêm