Tăng cường hỗ trợ người bị thiệt hại khi yêu cầu bồi thường

(PLVN) -Trên thực tế, người bị thiệt hại có yêu cầu về bồi thường không phải ai cũng hiểu được các quy trình, thủ tục, do đó, hỗ trợ họ là nhiệm vụ được các cơ quan giải quyết bồi thường chú trọng.

Một số địa phương chưa chủ động

Theo Cục bồi thường nhà nước, công tác bồi thường nhà nước thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức, ý thức pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong đội ngũ cán bộ, công chức, tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. 

Tuy nhiên, một số cơ quan, địa phương còn lúng túng triển khai thực hiện các quy định mới của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước, đặc biệt là chưa chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường, chưa ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước.

Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ như: phổ biến giáo dục, tập huấn nghiệp vụ, phối hợp liên ngành giữa Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các Sở, ngành cấp tỉnh để thực hiện theo dõi, đôn đốc kiểm tra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án còn chưa kịp thời, hiệu quả.

Trong hoạt động giải quyết bồi thuờng. Sở Tư pháp một số địa phương chưa nắm chắc quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành nên chưa chủ động nắm bắt vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước trên địa bàn để cử người tham gia giải quyết bồi thường hoặc không tham gia giải quyết bồi thường khi cơ quan giải quyết bồi thường có văn bản đề nghị.

Giải quyết dứt điểm các vụ việc yêu cầu bồi thường phức tạp, kéo dài

Để khắc phục tồn tại hạn chế, Cục bồi thường nhà nước đã có văn bản đề nghị các Sở Tư pháp tham mưu cho UBND cấp tỉnh phối hợp với TAND, VKSND, Cục THADS và các Sở ngành cấp tỉnh triển khi hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của công tác bồi thường nhà nước; tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức pháp luật về trách nhiệm bồi thường cho lãnh đạo các Sở, ngành, UBND cấp huyện, xã tại địa phương đồng thời nâng cao kỹ năng tham mưu thực hiện nghiệp vụ về công tác bồi thường cho đội ngũ cán bộ, công chức tại Sở Tư pháp.

 Các Sở Tư pháp cần chủ động phối hợp chặt chẽ với TAND, VKSND, Cục THADS và các Sở, ngành cấp tỉnh tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức được giao thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị trong các lĩnh vực tiềm ẩn khả năng phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Đặc biệt, Cục bồi thường đề nghị các Sở Tư pháp chủ động nắm bắt đầy đủ thông tin vụ việc yêu cầu bồi thường, giải quyết yêu cầu bồi thường phát sinh trên địa bàn để hướng dẫn nghiệp vụ đối với cơ quan giải quyết bồi thuờng và tăng cường hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước theo thẩm quyền. Trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền nhưng có vướng mắc về cách hiểu các quy định của pháp luật hoặc chưa thống nhất được phương án áp dụng pháp luật để giải quyết bồi thường, hướng dẫn người bị thiệt hại thì Sở Tư pháp cần kịp thời trao đổi với Cục Bồi thường nhà nước trước khi thực hiện.

Chủ động thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, nhất là các vụ việc phức tạp kéo dài. Trong hoạt động tố tụng và thi hành án, cần phối hợp chặt chẽ vói TAND, VKSND, Công an cấp tỉnh và Cục THADS thống nhất về nội dung, hình thức, thời gian phối hợp dễ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động kiểm tra liên ngành định kỳ, đột xuất đối với công tác bồi thường nhà nước và hoạt động giải quyết bồi thường tại địa phương để kịp thời dự báo khả năng phát sinh trách nhiệm bồi thường của nhà nước và có phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc yêu cầu bồi thường phức tạp, kéo dài. 

Đọc thêm